Rừng (bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng) là một trong những nguồn cung cấp quan trọng nhất cho các dịch vụ hệ sinh thái trên Trái đất. Các dịch vụ này bao gồm gỗ, củi, sản phẩm phi gỗ, điều hòa nguồn nước, điều hòa khí hậu, lưu giữ các-bon, thụ phấn, phát tán hạt, kiểm soát sâu hại, du lịch, giá trị văn hóa – tinh thần, v.v.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 12,7 triệu hec-ta rừng. Mục tiêu của Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp của Việt Nam đặt ra, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng gần 16 triệu hec-ta rừng với độ che phủ là 47%. Rõ ràng rừng đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng được ban hành nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng trên phạm vi cả nước theo hướng xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện xã hội hóa nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất điện, nước và các hoạt động kinh doanh du lịch.
Trên cơ sở những thí điểm ban đầu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến trình soạn thảo Dự thảo nghị định về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để sớm trình phê duyệt.
Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý về rừng, chính sách này kỳ vọng giúp người bảo vệ và trồng rừng (gọi chung là người trồng rừng – NTR) tăng thu nhập, giữ nguồn nước cho sản xuất, tạo điều kiện tốt triển khai các chương trình, dự án nhằm mục đích bảo vệ và phát triển rừng.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng việc áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường có thể tạo ra các nguồn tài chính bền vững và tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan cho công cuộc bảo vệ rừng bền vững ở Việt Nam. Việc xây dựng và ban hành Nghị định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ giúp cho Chính phủ và Bộ NN&PTNT có thêm công cụ pháp lý tiến bộ và hữu hiệu, buộc các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ hệ sinh thái rừng phải chi trả cho các dịch vụ đó như là hàng hoá, dựa trên giá trị của chúng và thoả thuận thị trường. Công cụ này sẽ giúp chủ rừng và cộng đồng bảo vệ rừng có nguồn thu chính đáng và thiết thực, khuyến khích họ tham gia bảo vệ rừng tích cực và hiệu quả hơn.
Trung tâm đã có văn bản đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gửi cho Ban soạn thảo. Các nhận xét, góp ý cụ thể của Trung tâm có trong văn bản dưới đây: