Tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khoáng sản, mang lại một nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia may mắn có được nguồn “vốn trời cho” này. Về mặt lý thuyết, các nước giàu tài nguyên dĩ nhiên có nhiều lợi thế hơn so với các nước nghèo tài nguyên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại: nhiều nước giàu tài nguyên như Nigeria, Congo và Venezuela rơi vào tình trạng lạc hậu, đói nghèo, khủng hoảng trong khi các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore lại bứt phá để trở thành những nền kinh tế lớn trên thế giới.
Các nhà kinh tế học đưa ra khái niệm “lời nguyền tài nguyên” (resource curse) để lý giải cho hiện tượng trên. Lời nguyền tài nguyên đã phản ánh ba khía cạnh: gia tăng tỷ giá hối đoái, bất ổn về giá cả thị trường và các ảnh hưởng tiêu cực đối với tình hình chính trị. Thứ nhất, nguồn thu đột biến từ xuất khẩu dầu mỏ và khoáng sản làm tăng giá trị đồng nội tệ. Việc tăng tỷ giá hối đoái sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm phi khoáng sản như dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phi khoáng. Thứ hai, ngành công nghiệp khai thác có thể có lợi thế cạnh tranh hơn so với nông nghiệp, công nghiệp chế biến, v.v. về vốn đầu tư và thu hút lao động. Kết hợp với nhau, hai hiện tượng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế chung của quốc gia. Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản và dầu mỏ là một trong những ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận. Điều này được xem là nguyên nhân của nhiều tệ nạn như tranh chấp quyền lực, tham nhũng và xung đột xã hội.
Việc sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn thu từ hoạt động khai thác là điểm mấu chốt để hạn chế các tác động tiêu cực đối với kinh tế – xã hội. Khi được quản lý tốt, thu nhập ngoại tệ và thuế từ ngành khai thác có thể là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và là nguồn tài chính hỗ trợ cho nhiều chương trình phúc lợi xã hội. Điều này có thể thấy ở các nước như Chile, Mexico, Peru và Nam Phi. Ngược lại, chính sách quản lý kém sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị như trên đã đề cập. Mỗi quốc gia có phương thức quản lý và sử dụng nguồn thu từ tài nguyên khác nhau. Nhìn chung, các chính sách này có những tương đồng về cơ sở lý luận nhưng cũng có nhiều khác biệt về mức độ và phương thức phân bổ.
Việt Nam là một trong những nước giàu tài nguyên khoáng sản. Theo số liệu khảo sát, Việt Nam hiện có khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau với khoảng 5000 điểm mỏ. Trong những năm gần đây, chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp khai khoáng nhằm tăng nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo. Số liệu thống kê trong những năm vừa qua cho thấy ngành công nghiệp khoáng sản đã đóng góp từ 5% đến 8% tổng GDP của cả nước.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ dầu thô chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2007, dầu thô chiếm từ hơn 21% (năm 2002) đến gần 30% (năm 2006) thu ngân sách. Trong đó, chủ yếu thu về từ xuất khẩu dầu thô.
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
Chính phủ Việt Nam đã và đang dành nhiều sự quan tâm cho việc đổi mới hệ thống quản lý hoạt động khai thác tài nguyên và phương thức sử dụng nguồn thu từ tài nguyên. Điều này thể hiện trong dự thảo luật khoáng sản sửa đổi do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và dự kiến được Quốc hội thông qua trong năm 2010. Dự thảo luật khoáng sản cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề như tài chính khoáng sản, quản lý và phân bổ nguồn thu từ khoáng sản cũng như các vấn đề về phân cấp, phân quyền.
Nhận thức được tầm quan trọng của khía cạnh quản lý và phân bổ nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tiến hành biên dịch và giới thiệu ấn phẩm “Phân bổ nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác ở cấp địa phương – kinh nghiệm từ bảy quốc gia giàu tài nguyên” từ nguyên bản tiếng Anh do Viện Giám sát Nguồn thu (Revenue Watch Institute – RWI) xuất bản. Nội dung ấn phẩm trình bày những phân tích so sánh quy định pháp luật về phân bổ nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác ở các cấp chính quyền khác nhau tại bảy nước giàu tài nguyên. Các nước được chọn làm đối tượng nghiên cứu là những quốc gia có nguồn thu thấp và trung bình, thuộc ba khu vực với mức độ phụ thuộc tài chính vào nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác khác nhau.
Hy vọng ấn phẩm này sẽ cung cấp cho bạn đọc nói chung, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách nói riêng, thêm thông tin và kinh nghiệm từ một số quốc gia trong vấn đề quản lý nguồn thu từ khai thác tài nguyên. Qua đó, Việt Nam có thể học hỏi và rút ra những bài học để hoàn thiện chính sách, luật pháp nhằm quản lý tốt hơn nguồn vốn quý giá do thiên nhiên ban tặng.