Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tham gia đóng góp ý kiến cho các bản dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần 2, lần 3 và lần 4. Trên cơ sở nghiên cứu bản dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần 7 và dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý dự thảo dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Trung tâm Con người và Thiên nhiên đánh giá cao một số thay đổi và bổ sung đã được đưa vào trong  dự thảo lần này. Với mong muốn tiếp tục nâng cao chất lượng và hoàn thiện dự thảo Luật Khoáng sản, Trung tâm tiếp tục có văn bản góp ý gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với hiểu biết khoáng sản là tài nguyên không tái tạo và nhu cầu khai thác, sử dụng ngày càng tăng trên quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu, thì các nguyên tắc về hưởng lợi công bằng giữa các thế hệ (hiện tại và con cháu trong tương lai) và đề phòng bị khai thác cạn kiệt, không còn dự trữ cần được thể hiện mạnh mẽ trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này. Trung tâm cho rằng bản dự thảo luật hiện vẫn chưa thể hiện được một cách rõ ràng lập trường và quan điểm xuyên suốt, rằng đây là công cụ để nhà nước hướng đến sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, chống tổn thất tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Khai thác đá tại Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Ảnh: PanNature.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng Luật Khoáng sản (sửa đổi) cũng cần thể hiện rõ quan điểm tối đa hóa lợi ích từ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, không thể tái tạo này. Quan điểm đó cần được thể hiện rõ qua các khía cạnh sau:

1. Áp dụng cách tiếp cận chuỗi giá trị ngành công nghiệp khai thác (tham khảo tài liệu kèm theo) để có các công cụ quản trị, chính sách hữu hiệu, nhất quán, trong đó tập trung các công cụ chính sách vào khâu quản lý và phân bổ nguồn thu để đảm bảo tài nguyên được khai thác và sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế – xã hội một cách công bằng, minh bạch và bền vững.

2. Quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, khôn khéo nhất trên cơ sở có chiến lược thống nhất thể hiện qua các định hướng chính sách như:

  • Hạn chế khai thác và bảo vệ các loại khoáng sản chiến lược phục vụ các mục tiêu kinh tế, an ninh, quốc phòng về dài hạn. Đặc biệt với các loại khoáng sản chiến lược mà hiện tại trình độ khoa học công nghệ của chúng ta chưa đủ để khai thác, chế biến, sử dụng một cách triệt để.
  • Hạn chế tối đa việc khai thác những loại khoáng sản mà thị trường thế giới còn dồi dào, có thể nhập khẩu được. Cần theo dõi diễn biến thị trường thế giới để đảm bảo lợi ích quốc gia khi quyết định xuất, nhập khẩu các loại khoáng sản này. Là loại tài nguyên đặc thù, các loại khoáng sản trữ lượng lớn ngày nay có thể thành khan hiếm trong tương lai. Vì vậy, việc duy trì và bảo tồn còn mang ý nghĩa chiến lược lâu dài.
  • Chỉ khuyến khích khai thác các loại khoáng sản thực sự cần cho nhu cầu nguyên liệu sản xuất công nghiệp nội địa. Hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản.

3. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cộng đồng sinh sống xung quanh khu vực khai thác nhằm giảm thiểu các tác động môi trường và xã hội lên chính họ. Đồng thời, khuyến khích và tiến tới bắt buộc tất cả các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phải thực thi các quy định pháp luật và tôn trọng đạo đức kinh doanh theo các chuẩn mực doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường.

4. Cần xác định rõ lựa chọn chính sách nào sẽ được áp dụng để đảm bảo tối đa hóa lợi ích, đặc biệt là nguồn thu, từ tài nguyên khoáng sản: Luật Khoáng sản (sửa đổi) cần thể hiện rõ công cụ chính sách được lựa chọn làm trọng tâm trong ba cách tiếp cận:

  • Thuế và phí: Sử dụng chính sách thuế và phí để đảm bảo nguồn thu về ngân sách tối đa từ tài nguyên khoáng sản. Như vậy, các văn bản dưới luật sẽ tập trung ưu tiên cho các công cụ này.
  • Định giá, đấu giá mỏ: Nếu lựa chọn cách tiếp cận này thì chính sách cần ưu tiên làm rõ quy trình định giá, đấu giá và xác định đây là nguồn thu chính cho ngân sách.
  • Quốc hữu hóa toàn phần: Quy toàn bộ hoạt động khoáng sản về các tập đoàn, công ty thuộc sở hữu nhà nước để đảm bảo nguồn thu từ nguồn công sản này tập trung hoàn toàn về ngân sách nhà nước. Theo đó, các thành phần kinh tế khác không trực tiếp tham gia vào hoạt động khoáng sản.

Mỗi cách tiếp cận chính sách đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, nếu việc lựa chọn rõ ràng một hướng cụ thể sẽ giúp đảm bảo ưu tiên và trọng tâm chính sách nhằm tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản.

Toàn văn công văn góp ý cho Dự thảo (File PDF, 2,28 MB)

Quản trị tài nguyên thiên nhiên: Lựa chọn chiến lược và chính sách cho tương lai (File PDF, 1,91 MB)

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia