Từ những năm 1950, nhiều nhà kinh tế học phát triển tin rằng tài nguyên thiên nhiên có thể giúp các nước đang phát triển thoát khỏi đói nghèo. Thế giới đã có hơn một nửa thế kỷ để tin và thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên. Thế nhưng, trong hơn hai mươi năm lại đây, nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại, rằng lý thuyết phát triển dựa vào tài nguyên đã hoàn toàn thất bại. Ở nhiều quốc gia, sau khi tiến hành khai thác tài nguyên, tăng trưởng của nền kinh tế không diễn ra như mong đợi. Ngược lại, xuất hiện thêm nhiều vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường tồi tệ hơn so với trước khi khai thác tài nguyên.
Dù vậy, vẫn có rất nhiều người tin rằng khai thác tài nguyên là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Rót tiền vào ngành công nghiệp khai thác vẫn mang lại nguồn lợi nhuận béo bở cho các ngân hàng đầu tư.
Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 chứng kiến cuộc đua tăng trưởng kinh tế ngoạn mục giữa các quốc gia đang phát triển, với một loạt nền kinh tế được gán nhãn “các nước công nghiệp mới” (NICs), “con rồng châu Á”, v.v. Nhiều nhà nghiên cứu và các nhà kinh tế lạc quan cho rằng thế kỷ 21 sẽ là thời kỳ phát triển của châu Á.
Cuộc chạy đua theo mục tiêu tăng trưởng kéo theo những cuộc chiến tranh giành tài nguyên ở khắp nơi trên thế giới. Nguồn tài nguyên chiến lược cho phát triển, chủ yếu là dầu mỏ và khoáng sản, ngày càng khan hiếm hơn dưới cơn khát của các cường quốc phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Việt Nam có một lịch sử phát triển khá đặc biệt với hai cuộc chiến tranh khốc liệt trong lịch sử cận đại khiến chúng ta hụt bước trong cuộc chạy đua phát triển kinh tế. Sau gần 35 năm thống nhất đất nước, nền kinh tế đã dần hồi phục và bước đầu gia nhập xu hướng phát triển chung của thế giới. Thế nhưng, những thành tựu phát triển của Việt Nam vẫn dựa rất nhiều vào nguồn vốn thiên nhiên trong khi nguồn vốn con người còn đóng góp khá hạn chế.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng gia nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam rõ ràng cần có một chiến lược quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và hợp lý để đảm bảo nguồn lực phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý đến xu hướng chung của thế giới để đảm bảo lợi ích quốc gia, giữ thế cạnh tranh và tránh bị biến thành nạn nhân trong những tranh chấp và giành giật tài nguyên của các nền kinh tế khát tài nguyên khác.
Tài liệu này tóm lược những điểm chính về xu hướng quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiện nay của thế giới, những bài học và kinh nghiệm cho Việt Nam. Một phần nội dung sẽ được dành để giới thiệu về Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) – một trong những giải pháp quản lý tài nguyên đang được nhiều quốc gia và tổ chức xúc tiến và theo đuổi.
Quản trị tài nguyên thiên nhiên: Lựa chọn chiến lược và chính sách cho tương lai
Tư duy trong bối cảnh cạnh tranh phát triển và kham hiếm tài nguyên ở phạm vi toàn cầu (File PDF, 1,91 MB).