Một nhận định có tính lý thuyết, truyền thống và phổ biến ở nhiều nước đang phát triển có sẵn tài nguyên khoáng sản là chính phủ cần khuyến khích phát triển công nghiệp khai khoáng để tăng nguồn thu ngân sách, phục vụ cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh được rằng ngành khai thác khoáng sản không có vai trò thực sự đối với giảm nghèo, mà đôi khi còn là động lực cản trở quá trình giảm nghèo ở phạm vi quốc gia và địa phương (Scott, 2004).
Bài thảo luận chính sách này trình bày một số đánh giá bước đầu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên về vai trò và mối quan hệ giữa khai thác khoáng sản và giảm nghèo ở Việt Nam dựa trên các kết quả phân tích thực nghiệm và khảo sát hiện trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở cấp quốc gia hoạt động khai khoáng không có vai trò đối với thành tựu giảm nghèo, và ở cấp địa phương (nơi có mỏ) hoạt động này lại tác động tiêu cực đến quá trình giảm nghèo. Nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách cho ngành khai thác khoáng sản, tập trung vào ba khía cạnh chính:
- Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng dựa trên các đánh giá toàn diện về kinh tế vĩ mô, môi trường và xã hội;
- Xây dựng cơ chế minh bạch trong quản lý, sử dụng và chia sẻ nguồn thu từ khai khoáng;
- Tăng cường giám sát việc thực hiện các trách nhiệm xã hội – môi trường của doanh nghiệp khai thác khoáng sản.