Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH
Phát triển đập thuỷ điện trên sông Mê-kông và thách thức đối với Việt Nam

Chủ Nhật, ngày 07/11/2010, từ 8:00 – 12:00
tại Trung tâm Dịch vụ Báo chí Việt Nam (Press Club), 59A Lý Thái Tổ , Hà Nội

Dòng sông Mê-kông trải dài 4.800km chảy qua sáu quốc gia (Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam), tạo ra một lưu vực rộng lớn hơn 795.000 km2. Việt Nam là nước cuối nguồn sông Mê Kông, nơi phù sa và nguồn nước dồi dào đã tạo nên một vùng châu thổ phì nhiêu, cung cấp nguồn sống cho khoảng 20 triệu cư dân. Sự hào phóng của sông Mê-kông đã giúp cho đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa lúa chính của đất nước, đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam mà còn cả trong khu vực và trên thế giới.
 
Các quốc gia trong lưu vực đang tận dụng những nguồn lợi của con sông hùng vĩ này để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Thủy điện được xác định là một nguồn tiềm năng lớn. Đến nay, đã có 12 dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện trên dòng chính trên lãnh thổ của Thái Lan, Lào và Campuchia. Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện trên dòng chính sông Mê-kông của Ủy hội sông Mê-kông (MRC, 2010) thì “việc thực hiện bất kỳ hay mọi dự án đề xuất trên dòng chính thuộc hạ lưu sông Mê-kông đều có thể gây ra các tác động sâu sắc và rộng khắp về kinh tế-xã hội và môi trường ở tất cả bốn nước ven sông”. Tháng 9/2010, Chính phủ Lào đã thông báo lên Ủy hội sông Mê-kông về xây dựng dự án thủy điện đầu tiên trên dòng chính trong số 12 đề xuất dự án. Công trình này sẽ được triển khai tại tỉnh Xayaboury, với công suất dự kiến 1260 MW, chủ yếu là để xuất khẩu sang Thái Lan.

Báo cáo cũng nhấn mạnh “thuỷ điện dòng chính ít có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành năng lượng của Thái Lan và Việt Nam”, trong khi “sẽ góp phần gia tăng sự mất cân bằng ở các nước hạ lưu sông Mê-kông” và “sẽ có những tác động tiêu cực lớn đến các ngành thuỷ sản và nông nghiệp”, và do đó “trong trung hạn và ngắn hạn, đói nghèo sẽ trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của bất kỳ một dự án dòng chính nào, đặc biệt là đối với người nghèo ở các khu vực nông thôn và thành thị ven sông”. Nhiều ý kiến cho rằng, với vị trí cuối nguồn, Việt Nam sẽ là quốc gia có nguy cơ phải gánh chịu nhiều rủi ro và thiệt hại nhất nếu các đập thuỷ điện nói trên được xây dựng trên dòng chính sông Mê-kông. Rõ ràng, các dự án phát triển này đã đặt ra những thách thức to lớn cho Việt Nam về các khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường; có thể ảnh hưởng sâu sắc đến nỗ lực giảm nghèo, phát triển bền vững của Việt Nam cũng như hợp tác phát triển toàn diện vùng hạ lưu vực sông Mê-kông.

Chính phủ các nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia đã ký kết Hiệp định phát triển bền vững lưu vực sông Mê-kông từ năm 1995. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển lưu vực, các bộ thủ tục và chỉ dẫn để tạo ra các công cụ và thể chế giúp cải thiện quá trình tham vấn, đàm phán và hợp tác phát triển giữa các quốc gia hạ lưu vực, nhằm tăng cường lợi ích và giảm thiểu các rủi ro từ các dự án phát triển.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường. Thông tin về tổ chức có tại: www.nature.org.vn

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) thành lập tháng 11 năm 2005, hiện do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) điều phối. VRN là một diễn đàn mở thu hút sự tham gia của đại diện các các nhà khoa học, nghiên cứu, cán bộ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, và các cộng đồng địa phương có quan tâm tới bảo vệ nguồn tài nguyên nước và phát triển bền vững ở Việt Nam. Thông tin chi tiết về mạng lưới có tại: www.warecod.org.vn

Thời gian vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã tích cực quan sát và tham gia các sự kiện, hoạt động liên quan đến vấn đề sông Mê-kông ở cả phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế thông qua các hoạt động thông tin, nghiên cứu, tham vấn và đối thoại với các bên liên quan ở Việt Nam và khu vực. Nhân dịp Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII diễn ra tại Hà Nội, PanNature và VRN phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách “Phát triển đập thuỷ điện trên sông Mê-kông và thách thức đối với Việt Nam” nhằm cung cấp thêm thông tin và thúc đẩy sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội về dự báo tác động của xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mê-kông đối với Việt Nam. Hoạt động đối thoại sẽ được tổ chức dưới hình thức chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận giữa các nhà khoa học, nghiên cứu với các đại biểu quan tâm.

Diễn giả (dự kiến):

  • TS. Đào Trọng Tứ, Mạng lưới đối tác vì Nước (VNWP)
  • Đại diện nhóm chuyên gia của Trung tâm quốc tế về Quản lý môi trường (ICEM) – cơ quan tư vấn cho Uỷ hội sông Mê-kông thực hiện Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) phát triển thuỷ điện trên dòng chính sông Mê-kông.
  • Đại diện Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ

Điều hành chương trình:

  • Bà Ngụy Thị Khanh, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam
  • Ông Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Thành phần tham gia: các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan bộ/ngành liên quan, các nhà khoa học, cơ quan báo chí và thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam.

Nội dung chương trình

8.00 – 8.30    Đón tiếp đại biểu

8.30 – 8.40    Giới thiệu chương trình, diễn giả, đại biểu

8.40 – 8.50    Chiếu phim: Mê-kông – Dòng sông quá tải

8.50 – 9.20    Tổng quan về hệ thống đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông 

9.20 – 9.50    Giới thiệu kết quả Đánh giá môi trường chiến lược về phát triển thuỷ điện trên dòng chính sông Mê-kông và nguy cơ tác động đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

9.50 – 10.05    Nghỉ giữa giờ

10.05-10.35    Thách thức của phát triển thuỷ điện dòng chính sông Mê-kông đến đồng bằng sông Cửu Long: Phù sa và Hệ thống nông nghiệp.

10.35 -11.30    Trao đổi – Thảo luận: Phát triển đập trên sông Mê-kông: Được và mất nhìn từ phía Việt Nam

11.30-11.45    Tổng kết

11.45-13.00    Ăn trưa tại Trung tâm Dịch vụ Báo chí Việt Nam


Quý vị đại biểu quan tâm đăng ký tham dự trước ngày 04/11/2010 theo các địa chỉ dưới đây:

Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Chị Đỗ Hải Linh, Trưởng phòng Truyền thông
ĐT: (04) 3556-4001    DD: 0912 104 344    Email: linh@nature.org.vn

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam
Chị Phạm Lan Anh, Cán bộ Chính sách
ĐT: (04) 3773-0828    DD: 0906 010 868    Email: anh.phamlan@warecod.org.vn 
 

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia