Mê Kông là con sông lớn thứ 12 trên thế giới với chiều dài hơn 4800 km chảy qua sáu quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia và Việt Nam), tạo ra một lưu vực rộng hơn 795.000 km2 (MRC 2011). Lưu vực Hạ Mê Kông ở Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia và Việt Nam với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú là nơi sinh sống của hơn 60 triệu người, thuộc hơn 100 dân tộc khác nhau, trong đó đa số là nông dân và ngư dân nghèo sống dựa vào dòng Mê Kông.
Cho đến cuối thế kỷ 20, Mê Kông vẫn là một trong số ít những con sông lớn chưa bị ngăn đập trên phần lớn dòng chảy. Cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch xây ít nhất 7 đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông và đến nay đã hoàn thành và đưa vào vận hành 4 đập. Cùng thời gian này, Lào và Căm-pu-chia bắt đầu lập kế hoạch xây dựng 12 đập trên dòng chính. Các dòng nhánh của sông Mê Kông cũng đã và đang được khai thác cho thủy điện. Dự tính đến năm 2015 sẽ có 36 đập ở các dòng nhánh được đưa vào vận hành và tới năm 2030 sẽ còn có thêm 30 đập thủy điện nữa được triển khai trên các dòng nhánh (Stone 2011).
Việc các quốc gia trong lưu vực chạy đua khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mê Kông cho phát triển thủy điện đã dấy lên nhiều quan ngại cũng như phản ứng từ nhiều phía về những hệ lụy lên môi trường và cuộc sống con người. Trước sức ép của cuộc đua tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, lợi ích kinh tế đang trên đà thắng thế khi cân nhắc sự đánh đổi.
Câu chuyện thủy điện trên dòng chính Mê Kông dường như mới chỉ là những chi tiết bề nổi của bức tranh phát triển đầy phức tạp của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, trong đó chứa đựng những động cơ và cạnh tranh lợi ích không chỉ của những quốc gia trong lưu vực mà cả các bên có liên quan khác. Tài liệu này cố gắng tổng hợp những thông tin cơ bản xung quanh câu chuyện thủy điện Mê Kông và lợi ích cũng như thiệt hại của các bên liên quan, đặc biệt là hàng triệu người nghèo sống dựa vào nguồn tài nguyên phong phú của con sông này.
ĐỌC TRỰC TUYẾN