Sau khi đã lựa chọn các thôn mục tiêu xây dựng mô hình phối hợp quản lý bảo vệ rừng đặc dụng tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh (BTL&SC) Mù Cang Chải, Dự án Sự tham gia của các tổ chức bảo tồn địa phương trong quản lý bảo vệ rừng đặc dụng đã tiến hành điều tra, đánh giá nhận thức thái độ của người dân tại các thôn này đối với việc bảo tồn và quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên, làm cơ sở cho những can thiệp tiếp theo của Dự án trong khu vực.
Điều tra được tiến hành vào tháng 9/2010 tại các thôn Nả Háng B (xã Púng Luông), Lả Khắt (xã Nậm Khắt), Dế Xu Phình A (xã Dế Xu Phình) và Háng Gàng (xã Lao Chải) của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, triển khai thông qua phỏng vấn đại diện một số hộ dân trong các thôn mục tiêu theo các câu hỏi có cấu trúc. Các hộ được phỏng vấn chiếm 25% số hộ trong mỗi xóm, với tỷ lệ nam nữ khá cân đối.
Nghiên cứu này tập trung vào đánh giá nhận thức và thái độ của người dân đối với nguyên nhân và hậu quả của việc suy giảm rừng, với đa dạng sinh học, về sự hiện diện của khu BTL&SC Mù Cang Chải, hiểu biết về pháp luật bảo vệ rừng của người dân, mối quan hệ giữa cộng đồng và kiểm lâm.
Kết quả điều tra cho thấy nói chung nhận thức của người dân trong khu vực đã có những hiểu biết cơ bản về rừng, tài nguyên rừng và tầm quan trọng của rừng trong khu vực, nhất là những gì liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ như nguồn gỗ, củi, khu vực đất canh tác, động vật có giá trị săn bắn.
Tuy vậy người dân (hầu hết là người Mông) tại khu vực nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên còn thấp, chưa hiểu biết đầy đủ về các nguy cơ tác động tới rừng, chưa nắm rõ sự đa dạng sinh học và giá trị của của đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, thông tin về sự hiện diện của khu bảo tồn còn hạn chế, thái độ của người dân đối với công tác bảo vệ rừng còn mờ nhạt.
Nguyên nhân có thể là do khoảng cách tới rừng đặc dụng từ những điểm nghiên cứu còn khá xa và trong các thôn được nghiên cứu vẫn có những nguồn lâm sản khác từ rừng phòng hộ, rừng được giao khoán, cũng như đất canh tác cho trồng rừng quanh thôn bản còn nhiều.
Hiểu biết về pháp luật đối với các vi phạm rừng đặc dụng của khu vực nghiên cứu không cao. Hầu hết đều cho là chỉ bị xử phạt nhẹ nếu vi phạm rừng đặc dụng và có nhiều hành vi xâm hại đến rừng vẫn được cho là không phạm pháp. Quan hệ của người dân đối với cán bộ kiểm lâm nhìn chung là tốt. Phần lớn người dân biết đến kiểm lâm là thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn bảo vệ rừng. Có rất ít vụ vi phạm trong khu vực kiểm lâm phải xử lý.
Từ kết quả này nghiên cứu đã nêu một số kiến nghị cho việc thực hiện đồng quản lý rừng đặc dụng tại khu bảo tồn này:
- Nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của rừng, cung cấp những kiến thức đầy đủ hơn về đa dạng sinh học tại khu vực, phổ biến rộng rãi hơn các qui định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, cung cấp thêm thông tin về khu BTL&SC Mù Cang Chải.
- Tuyên truyền về những hậu quả của việc mất rừng, ảnh hưởng tới đời sống người dân, tuyên truyền về pháp luật bảo vệ rừng, về sự hạn chế của tài nguyên rừng.
- Cán bộ kiểm lâm cần tăng cường tiếp xúc với người dân, nâng cao vai trò của lực lượng kiểm lâm với việc kiểm soát lâm sản và sử dụng rừng ở khu vực, tìm kiếm sự phối hợp của người dân trong quản lý bảo vệ rừng.
- Làm rõ ranh giới khu bảo tồn và các phân khu bảo vệ. Điều này có thể hạn chế tác động của người dân vào vùng lõi của khu bảo tồn do xung quanh khu bảo tồn còn có những diện tích rừng khác có thể đáp ứng nhu cầu lâm sản của người dân.