Trong những năm vừa qua, PanNature đã và đang thực hiện một số dự án nghiên cứu, phân tích chính sách trong lĩnh vực quản trị tài nguyên khoáng sản như: Vai trò của khai khoáng trong nỗ lực giảm nghèo (2009-2011), Tăng cường trách nhiệm giải trình trong công nghiệp khai thác (2011-2012), Thúc đẩy quản trị tổt hơn ngành công nghiệp khai khoáng (2012-2014) và Đánh giá thực trạng hoàn thổ và phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản: Bất cập chính sách và tác động đối với cộng đồng (2012-2013). Theo đó, PanNature đã triển khai một số nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin và đóng góp ý kiến cho quá trình ban hành, sửa đổi luật, chính sách của nhà nước, nhất là Luật Khoáng sản sửa đổi 2010.
Nghiên cứu và khảo sát thực tế của PanNature cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam gây nhiều tác động, rủi ro cho môi trường và xã hội, không chỉ trong giai đoạn khai thác mà còn để lại nhiều hệ lụy sau khi kết thúc khai thác. Từ năm 1999, các quy định về ký quỹ và phục hồi môi trường đã được nhà nước ban hành với mong muốn hạn chế tác động tiêu cực trong giai đoạn hậu khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trên thực tế, tại rất nhiều khu vực khai thác mỏ, doanh nghiệp sau khi rời đi vẫn để lại những núi quặng thải hoặc những hồ sâu, làm lãng phí quỹ đất và gây nhiều rủi ro cho con người và môi trường. Bởi vậy, PanNature cho rằng cần thắt chặt hơn nữa yêu cầu quản lý đối với việc cải tạo và phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam.
Một điểm khai thác quặng tại tỉnh Hà Giang. Dòng suối lớn đã bị đất và thải quặng lấp kín. Ảnh: ThienNhien.Net/PanNature.
Tài liệu dưới đây là toàn văn góp ý của PanNature cho bản dự thảo lần 2 Quyết định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản do Cục Quản lý chất thải và Cải thiện Môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên Môi trường) chủ trì.