Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Duy trì và gia tăng độ che phủ của rừng được xác định là một hướng đi nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong chiến lược quốc gia của Việt Nam. Từ năm 1995 độ che phủ rừng của Việt Nam đã có xu hướng phục hồi sau hàng thập kỷ suy giảm do chiến tranh và khai thác lâm sản phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy vẫn còn nhiều tranh luận về chất lượng của rừng còn lại và rừng mới song số liệu thống kê về độ che phủ rừng hiện nay nhìn chung rất khả quan.

Ngành lâm nghiệp Việt Nam bắt đầu phục hồi từ những năm 1990 nhờ trồng cây gây rừng và tái trồng rừng tự nhiên. Giai đoạn 1995-2009, độ che phủ rừng tăng trung bình 282.600 ha, bao gồm 148.900 ha rừng tự nhiên và 133.700 ha rừng trồng (Vietnam Administration of Forestry, 2011). Cuối năm 2010 Việt Nam cho biết có khoảng 13,39 triệu ha rừng, tương đương với độ che phủ 39,50%.

Sự tái tăng trưởng rừng của Việt Nam được coi là kết quả của các giải pháp đồng bộ về kinh tế, chính trị nhằm ứng phó với sự suy giảm rừng, khan hiếm đất, tác động của phát triển kinh tế và thị trường (Meyfroidt & Lambin, 2008). Chính phủ đã đặt mục tiêu trồng lại 2,6 triệu ha rừng đến năm 2020 bao gồm 250.000ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, 1 triệu ha rừng sản xuất và 1,35 triệu ha rừng trồng lại sau khai thác.

Thông thường thì độ che phủ rừng cao hơn đồng nghĩa với môi trường tự nhiên tốt hơn. Tuy nhiên không phải dễ dàng để trả lời câu hỏi rừng và ngành lâm nghiệp đã thực sự đóng góp cho bền vững môi trường như thế nào. Bền vững và phát triển bền vững tự thân nó đã không có nghĩa rõ ràng và khó có thể đo đếm một cách chuẩn xác.

Ở cấp độ quốc gia, bộ chỉ số phát triển bền vững về môi trường Việt Nam đưa ra 7 tiêu chí chính, trong đó có hai chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến lĩnh vực lâm nghiệp (tiêu chí 1 và 2 trong bảng sau đây).

260314_lamnghiep1Bền vững môi trường trong ngành lâm nghiệp

Quản lý rừng bền vững (SFM) được xác định là nền tảng cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ, 2007). SFM nhìn chung được nhìn nhận là đã áp dụng được khái niệm bền vững, vốn được thiết lập cẩn trọng, bao hàm các mục tiêu xã hội, kinh tế và môi trường vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp. Khía cạnh môi trường được xem là mấu chốt để xác định tính bền vững trong khung hành động của SFM.

Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng của ngành lâm nghiệp là: Phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, phòng hộ môi trường đô thị, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống, tạo nguồn thu cho ngành lâm nghiệp từ các dịch vụ môi trường (phí môi trường, thị trường khí thải CO2, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng…) để đóng góp cho nền kinh tế đất nước (Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020).

Trong việc triển khai Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (VFDS), Dự án Hệ thống thông tin giám sát ngành lâm nghiệp (FOMIS) đã đề ra một bộ chỉ tiêu quản lý bao gồm cả SFM nhằm đánh giá sự tiến bộ của các mục tiêu môi trường. Các chỉ tiêu này bao gồm: (i) Số lượng các loài động vật và thực vật rừng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và ở mức độ nguy cấp; (ii) Diện tích rừng phân theo đai cao và độ dốc; (iii) Độ tán che và số lượng tầng tán của rừng phòng hộ và (iv) Diện tích đất lâm nghiệp có nguy cơ bị sa mạc hóa. Ngoài ra còn có một bộ chỉ tiêu quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường, bao gồm: (i) Diện tích rừng phòng hộ, (ii) Diện tích rừng đặc dụng, (iii) Diện tích rừng được khoán bảo vệ, (iv) Số kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã, (v) Diện tích rừng bị thiệt hại, (vi) Số vụ vi phạm Luật phát triển và bảo vệ rừng, (vii) Số thôn bản có quy ước bảo vệ rừng và (viii) Tổng giá trị của các dịch vụ môi trường của rừng.

Báo cáo tiến độ triển khai VFDS sau bốn năm thực hiện (2006-2010) ghi nhận sự đóng góp của sự gia tăng độ che phủ rừng đối với các mục tiêu bảo vệ môi trường, đồng thời nêu rõ ngành lâm nghiệp vẫn chưa mang lại nhiều tác động tích cực cho môi trường. Bên cạnh đó, rừng tự nhiên vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và các giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hiện tại vẫn chưa được thực hiện tốt (MARD, 2010). Dù độ che phủ rừng tiếp tục tăng trong các năm tới thì thách thức đối với sự bền vững môi trường vẫn còn tồn tại khi xu hướng tàn phá rừng nguyên sinh có độ đa dạng sinh học cao và chuyển đổi rừng tự nhiên cho các mục đích kinh tế vẫn chưa dừng lại. Các nhân tố bên ngoài khác như sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng thị trường và mật độ dân số cao ở khu vực miền núi cũng có thể đe dọa sự bền vững của ngành lâm nghiệp (Meyfroidt & Lambin, 2008).

Tình trạng mất rừng vẫn thường xuyên xảy ra (Ảnh: PanNature)
Tình trạng mất rừng vẫn thường xuyên xảy ra (Ảnh: PanNature)

Tuy nhiên, việc xác định mức độ bền vững về môi trường trong ngành lâm nghiệp được thừa nhận là khó khăn vì nhiều lý do (Smith & Mayfield, 2006). Thứ nhất là có nhiều cách hiểu khác nhau từ khía cạnh khoa học, tùy theo góc độ nhìn nhận của sinh thái học, môi trường hay theo quan điểm sinh thái-chính trị đang thịnh hành. Cách tiếp cận truyền thống thường nhìn sự bền vững theo kiểu sản lượng bền vững nhằm trả lời câu hỏi khai thác bao nhiêu thì có thể duy trì năng suất của hệ sinh thái rừng. Thứ hai, trong khi các giải pháp kỹ thuật hiện thời có thể cung cấp các công cụ hữu hiệu để phân tích các khía cạnh khác nhau của rừng và môi trường, chất lượng dữ liệu và các con số thống kê vẫn còn là một dấu hỏi. Ví dụ, hiện đang có nhiều bình luận khác nhau về dữ liệu thống kê độ che phủ rừng của Việt Nam. (Lang, 2001 trích dẫn trong (Meyfroidt & Lambin, 2008).

Đo lường bền vững môi trường trong ngành lâm nghiệp

Cho đến nay đã có khá nhiều bộ chỉ số đánh giá tính bền vững trong lâm nghiệp được xây dựng bởi nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau. Nghiên cứu gần đây của Grainger tóm lược chín bộ chỉ số và chỉ tiêu đang được sử dụng ở khoảng 150 quốc gia kể từ năm 1990. Trong đó, có hơn 60 quốc gia sử dụng nhiều hơn một bộ chỉ số. Tác giả nghiên cứu này kết luận rằng các bộ chỉ số và chỉ tiêu này không thực sự hữu ích để mô tả mức độ bền vững của công tác quản lý rừng. Chỉ có 29% các chỉ số thuộc 5 bộ chỉ số, chỉ tiêu có thể áp dụng được trong thực tế (Grainger, 2012).

W. Maes và đồng nghiệp đưa ra một cách tiếp cận thú vị khác bằng cách xây dựng khung đánh giá lượng hóa các khía cạnh môi trường trong quản lý rừng bền vững. Thông qua một quá trình kiểm định, các tác giả thiết kế lại bộ khung chỉ số mới có thể đánh giá tốt hơn mức độ ảnh hưởng của quản lý rừng lên tổ thành, cấu trúc và chức năng của rừng. Quá trình kiểm định này bao gồm nhiều bước như tham vấn hội đồng chuyên gia, kiểm định trên hiện trường ở các ô tiêu chuẩn, tính toán chi phí. Qua đó, số lượng các chỉ tiêu được giảm lược nhưng vẫn đảm bảo không mất mát những thông tin quan trọng. Mặc dù nghiên cứu này thực hiện tại các khu vực rừng ở Flanders (Bỉ), các tác giả cho rằng cách tiếp cận này có thể áp dụng để đánh giá khía cạnh môi trường trong quản lý rừng ở các nơi khác, miễn rằng các mục tiêu của địa bàn đó và các giá trị chỉ tiêu kém nhất được tính đến một cách đầy đủ (Maes, Fontaine, Rongé, Hermy, & Muys, 2011).

Các ví dụ nêu trên minh họa một phần về bức tranh các hệ thống chỉ số giám sát tính bền vững và môi trường trong lâm nghiệp đã được xây dựng và cải tiến như thế nào.

Cải thiện các chỉ tiêu bền vững môi trường

Mặc dù VFDS ghi nhận bảo vệ môi trường và cung cấp các dịch vụ môi trường là các mục tiêu quan trọng ngành lâm nghiệp hướng đến, bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá hiện tại dường như chưa thực sự có trọng tâm vào các khía cạnh bền vững môi trường. Một trong những nguyên nhân chính là do các chỉ tiêu bền vững môi trường hiện được sắp xếp rải rác ở các nhóm khác nhau trong khung giám sát.

Một khi đã ghi nhận tầm quan trọng của khía cạnh môi trường trong phát triển lâm nghiệp bền vững ở Việt Nam, cần có tập trung đầu tư nhiều hơn cho cả việc thực hiện giải pháp và các hoạt động giám sát theo định hướng này. Nếu bền vững được xem là mục đích cốt lõi của VFDS, ngành lâm nghiệp cần xem xét lại các bộ chỉ tiêu hiện tại để có thể có được bức tranh đầy đủ hơn. Tiến độ thực hiện chiến lược của ngành lâm nghiệp có thể được giám sát, đánh giá qua ba lăng kính chính: xã hội – kinh tế – môi trường, theo quan điểm chung về phát triển bền vững. Khung giám sát hiện tại có thể còn tồn tại nhiều điểm chồng chéo nếu chúng ta nhìn nhận ở khía cạnh bền vững môi trường. Các mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ môi trường có thể được hoàn thiện thêm và gộp chung trong một nhóm.

Các khía cạnh mới liên quan đến ngành lâm nghiệp như biến đổi khí hậu và tác động của nó, REDD, PES và các sáng kiến về biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp cũng cần được tính đến trong khung giám sát. Những nhân tố mới này vừa có thể đóng góp, vừa có thể có tác động đến mục tiêu bền vững môi trường.

Mặt khác, các hoạt động lâm nghiệp cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực lên đa dạng sinh học và môi trường. Các tác động này có thể bao gồm mất mát đa dạng sinh học, săn bắt động vật hoang dã, định cư bất hợp pháp, hoạt động sinh kế của người dân sống quanh rừng, và biến đổi khí hậu (Secretariat of the Convention on Biological Diversity, 2009). Các tác động này cũng cần được giám sát và đánh giá một cách đầy đủ chứ không chỉ tập trung vào các khía cạnh tích cực của ngành lâm nghiệp.

Và nếu VFDS thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu bền vững môi trường, bộ chỉ số bền vững môi trường Việt Nam hiện tại cũng cần được mở rộng để bao hàm những đóng góp cụ thể từ ngành lâm nghiệp đối với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Trịnh Lê Nguyên – Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)


Bài đăng trên Bản tin số 34 – 35/Tháng 7 – 2012 của Văn phòng Hỗ trợ Đối tác Ngành Lâm nghiệp

Tài liệu tham khảo:

Grainger, A. (2012). Forest sustainability indicator systems as procedural policy tools in global environmental governance. Global Environmental Change, 22(1), 147-160. Retrieved from http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0959378011001348

MARD. (2010). Vietnam Forestry Development Strategy: Progress Report 2006 – 2010. Hanoi.

Maes, W. H., Fontaine, M., Rongé, K., Hermy, M., & Muys, B. (2011). A quantitative indicator framework for stand level evaluation and monitoring of environmentally sustainable forest management. Ecological Indicators, 11(2), 468-479. Retrieved from http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1470160X1000124X

Meyfroidt, P., & Lambin, E. (2008). The causes of the reforestation in Vietnam. Land Use Policy, 25(2), 182-197. doi:10.1016/j.landusepol.2007.06.001

Ngân hàng Thế giới. (2011). Báo cáo phát triển Việt Nam 2011: Quản lý tài nguyên thiên nhiên (p. 168). Hà Nội. Retrieved from http://www-wds.worldbank.org/external/default/WDSContentServer/WDSP/IB/2012/03/28/000386194_20120328021334/Rendered/PDF/666340Vietname0phattrienVietNam2011.pdf

PanNature. (2011). Policy Review, No.3/Quarter III. Hanoi: PanNature.

Secretariat of the Convention on Biological Diversity. (2009). Sustainable Forest Management, Biodiversity and Livelihoods: A Good Practice Guide. Montreal.

Smith, T., & Mayfield, C. (2006). Environmental Sustainability and Sustainable Forest Management. Forest Encyclopedia Network. Retrieved from ttp://www.forestryencyclopedia.net/p/p2/p1137

Thủ tướng Chính phủ. (2007). Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

Vietnam Administration of Forestry. (2011). Vietnam Forestry: Introduction of Forests and Forest Sector of Vietnam. Hanoi.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia