Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) được khởi đầu từ chiến dịch vận động chính sách của các tổ chức xã hội dân sự nhằm thúc đẩy việc thực hiện công bố các khoản chi trả giữa các công ty khai thác và chính phủ các quốc gia sở hữu tài nguyên. Sáng kiến này được thủ tướng Anh Tony Blair khởi xướng lần đầu năm 2002. Theo đó, chính phủ Anh đã thiết lập một nhóm các quốc gia giàu tài nguyên, các công ty khai thác và cả các tổ chức xã hội dân sự để nghiên cứu, phát triển phương pháp luận về EITI. Tại hội nghị được tổ chức tại London (Anh) năm 2003, bộ nguyên tắc EITI (the EITI Principles) được thông qua và quá trình thực hiện thí điểm EITI bắt đầu được tiến hành. Sau đó, từ các kinh nghiệm có được trong quá trình thực hiện thí điểm, bộ tiêu chí EITI (EITI Criteria) được thông qua năm 2005 tại cuộc họp tại Lancaster House (Anh). Đây cũng được coi là cuộc họp khởi động của Nhóm tư vấn quốc tế EITI (the EITI International Advisory Group) do ông Peter Eigen làm chủ tịch cùng sự tham gia của đại diện các bên liên quan EITI. Nhóm tư vấn quốc tế đã họp năm lần trong hai năm 2005 và 2006. Trong năm 2005, cuốn tài liệu nguồn EITI (The EITI Source Book) được xuất bản, bao gồm những hướng dẫn cụ thể cho các quốc gia đang thực thi EITI. Xuất phát từ những kinh nghiệm ban đầu khi áp dụng thí điểm EITI, việc thẩm định quá trình thực hiện EITI đã trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với các quốc gia đang thực hiện sáng kiến này. Tài liệu Hướng dẫn Thẩm định (The Validation Guide) được Nhóm tư vấn quốc tế EITI giám sát xây dựng và bắt đầu được áp dụng vào năm 2006.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị EITI toàn cầu tại Oslo năm 2006, Nhóm tư vấn quốc tế EITI đã giới thiệu báo cáo chính thức. Thông qua nội dung báo cáo, các bên liên quan EITI tham dự hội nghị này cũng một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các nguyên tắc, tiêu chí và hướng dẫn thẩm định EITI. Rất nhiều khuyến nghị cũng đã được đưa ra nhằm hoàn thiện nội dung bộ hướng dẫn này, bao gồm chi tiết “…EITI nên thành lập một Hội đồng các bên liên quan được hỗ trợ bởi Ban thư ký nhằm quản lý những vấn đề EITI ở cấp quốc tế”.
Từ khuyến nghị nêu trên, Hội đồng Quản trị EITI quốc tế (HĐQT) được thành lập với vai trò ra quyết định liên quan đến quá trình thực hiện EITI cũng như các vấn đề quản trị khác. Các quy định liên quan đến thực thi EITI do HĐQT EITI xây dựng dưới dạng các Ghi chú Chính sách. Ban thư ký chịu trách nhiệm soạn thảo và xuất bản trong phiên bản Bộ Quy tắc EITI này.
Trong ấn phẩm này, Ban Thư ký EITI đã tập hợp các tài liệu chính sách để tạo thành bộ các quy tắc thực thi EITI. Ấn phẩm này đưa ra những yêu cầu do HĐQT EITI ban hành đối với các quốc gia và các công ty khai thác thực thi EITI. Đây là bản hướng dẫn xuyên suốt với các yêu cầu cho các quốc gia và công ty thực thi EITI, từ quá trình đăng ký tham gia dưới vai trò là quốc gia ứng viên tới quá trình thẩm định để trở thành quốc gia tuân thủ EITI.
Ấn phẩm này tập hợp những yêu cầu cơ bản cần thiết phải tuân thủ khi thực hiện Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI), bao gồm: các Nguyên tắc, Tiêu chí, Yêu cầu, Hướng dẫn Thẩm định, Ghi chú Chính sách đã được Ban thư ký EITI soạn thảo dựa trên những quyết định của Hội đồng Quản trị EITI quốc tế.
Bản dịch tiếng Việt do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện với sự đồng ý của Ban thư ký EITI quốc tế. Các lỗi, sai sót về mặt ngôn ngữ và nội dung tiếng Việt, nếu có, thuộc trách nhiệm của PanNature. Trung tâm Con người và Thiên nhiên xin chân thành cảm ơn Ban thư ký EITI quốc tế đã cho phép chúng tôi chuyển tải tài liệu này sang tiếng Việt để phục vụ các bên quan tâm ở Việt Nam.
- Tải bản dịch tiếng Việt (File PDF, 3,84 MB)
- Bộ Quy tắc xuất bản bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác (cùng các phiên bản trước đây)
Quý vị độc giả muốn nhận bản in của tài liệu này, xin liên hệ:
Phòng Nghiên cứu Chính sách
Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Số 6, N8B Trung Hòa Nhân Chính,
Nguyễn Thị Thập, Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT: (04) 3556-4001 Fax: (04) 3556-8941
Email: policy@nature.org.vn