Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Không phải đến lúc này người ta mới biết xây dựng thủy điện bản chất là một sự đánh đổi: Một bên là lợi ích kinh tế của việc phát điện và một bên là những tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái, sinh kế của nhân dân và đôi khi là cả chính sự an toàn của họ…

Thủy điện Sông Tranh 2 tại Quảng Nam vừa bổ sung thêm hiện tượng động đất kích thích vào danh mục các hệ lụy tiêu cực vốn đã khá dài, gây ra bởi các công trình thủy điện tại Việt Nam.

Như giọt nước làm tràn ly, UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã có công văn yêu cầu dừng đầu tư và đưa ra khỏi quy hoạch 23 dự án thủy điện dự kiến sẽ xây dựng trên địa bàn tỉnh. Điều này nói lên rằng trong những năm vừa qua những quyết định xây dựng thủy điện đôi khi đã bị đưa ra thiếu cân nhắc và không thực sự là 1 sự lựa chọn thông minh.

Thủy điện có thể gây ra tình trạng phá rừng, làm gia tăng lụt lội hay hạn hán, làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương và đẩy họ vào tình thế bấp bênh không sinh kế. Tất cả những hệ lụy này đã từng được nhìn thấy tại nhiều địa phương, ở nhiều công trình thủy điện. Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo Giáo sư viện sỹ Trần Đình Long có rất nhiều những tác động tiêu cực của thủy điện vẫn chưa được nhắc đến hoặc ít được nhắc đến tại Việt Nam.

GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhận định: “Người ta đã phát hiện rằng khi tích một lượng nước khổng lồ như vậy sẽ làm thay đổi độ ẩm của không khí. Một số khu vực trước đây khô ráo, nay ẩm ướt khiến cho người dân mắc một số bệnh về đường hô hấp, ví dụ như bệnh phổi. Bên cạnh đó, vùng thủy điện nó có những cái khu vực bán ngập dễ phát sinh ruồi muỗi, sâu bệnh, ô nhiễm không khí từ phân hủy rác…”.

Có một thực tế là việc xây dựng thủy điện ở Việt Nam mới bắt đầu phát triển rầm rộ trong khoảng mươi năm trở lại đây, trong khi đó thì rất nhiều hệ lụy đối với môi trường và môi sinh chỉ có thể nhìn thấy sau hàng vài chục năm.

Trung tâm Con người và Thiên nhiên là một trong số nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đã bên bỉ gửi báo cáo phản biện và kiến nghị đến các cơ quan chức năng của Việt Nam về những tác hại của thủy điện. Theo các nhà nghiên cứu ở đây, việc nhà đầu tư ở Việt Nam được bỏ tiền ra thuê làm báo cáo đánh giá tác động môi trường đã khiến các cơ quan có thẩm quyền có một cái nhìn rất hạn hẹp về các tác động của thủy điện.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc trung tâm Con người và Thiên nhiên, PanNature: “Sau quá trình phát triển thủy điện, đến nay nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu nhìn lại và nhận ra phát triển thủy điện ẩn chứa thảm họa. Nhiều nước bắt đầu phá đập thủy điện và họ đã phải đầu tư những cái khoản tiền lớn để phục hồi môi trường sau khi phá đập. Vấn đề ở chỗ, những tác động tiêu cực của thủy điện nhiều khi người ta chỉ có thể nhìn thấy 20 – 30 thậm chí là 50 năm sau khi xây đập. Lúc đó việc cải tạo, khôi phục lại môi trường hoặc là không thể hoặc là chi phí lớn hơn nhiều so với lợi ích thu lại được từ thủy điện.”

Chương trình Tiêu điểm tiếp tục cung cấp một cái nhìn về những hệ lụy của việc xây dựng thủy điện. Dù không thể phủ nhận những đóng góp của các công trình này đối với an ninh năng lượng và sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước nhưng việc xây dựng thủy điện thời gian tới cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và có trách nhiệm hơn với nhân dân.

Nguồn: VTV

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia