Tài nguyên thiên nhiên là nguồn của cải tạo hóa ban tặng cho con người. Đó cũng là ngọn nguồn của sự phát triển cũng như nhiều tranh chấp trong lịch sử phát triển của nhân loại. Trên hành tinh chúng ta đang sống, không phải quốc gia nào cũng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn của cải này. Chỉ có khoảng 50 quốc gia may mắt có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản phong phú. Tuy nhiên, việc chuyển hóa nguồn của cải thiên nhiên ban tặng thành sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia không phải là một quá trình dễ dàng. Nhiều quốc gia giàu tài nguyên vẫn chưa tận dụng được lợi thế để phát triển, thậm chí còn rơi vào nghịch lý mà các nhà kinh tế học gọi là “lời nguyền tài nguyên” .
Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia may mắn được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ. Cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, khoáng sản được xem là nguồn của cải chung của mọi thành viên trong xã hội. “Ðất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, […], đều thuộc sở hữu toàn dân” (điều 17, Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam, 1992).
Ảnh minh họa: PanNature.
Bên cạnh những tác động tích cực lên phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực tiễn cũng cho thấy hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản còn có những mặt trái. Những ảnh hưởng tiêu cực lên con người, môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên đã và đang hiện hữu. Dưới sức ép của nhu cầu phát triển kinh tế, những ảnh hưởng này vẫn chưa được tính toán và cân nhắc một cách đầy đủ.
Trong những năm vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã thực hiện một số khảo sát, nghiên cứu về chủ đề tác động của hoạt động khai thác khoáng sản. Báo cáo nghiên cứu “Khoáng sản – Phát triển – Môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn” là kết quả nghiên cứu thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2012. Một số vấn đề chính sách và thực tế đề cập trong báo cáo đã và đang được khắc phục bởi Luật Khoáng sản sửa đổi (thông qua tháng 12/2010 và có hiệu lực từ 01/07/2011) và các văn bản mới được ban hành gần đây.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nhà tài trợ đã hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu của báo cáo nghiên cứu này. Xin cảm ơn các đồng nghiệp và chuyên gia đã tham gia đóng góp ý kiến cho bản thảo cũng như qua các hội thảo, hội nghị liên quan đến chủ đề khoáng sản và công nghiệp khai thác. Đặc biệt, chúng tôi xin cảm ơn Ts. Lê Đăng Doanh (Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) và PGS. Đỗ Hữu Tùng (Trường Đại học Mỏ – Địa chất) đã đóng góp nhiều ý kiến quý giá trong quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên hy vọng những kết quả trình bày trong báo cáo này sẽ đóng góp thêm những hiểu biết về mối quan hệ giữa hoạt động khai thác khoáng sản và phát triển kinh tế – xã hội cũng như những tác động tiêu cực, không mong muốn lên con người và môi trường. Qua đó, chúng ta sẽ có những chính sách và chiến lược khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn của cải thiên nhiên ban tặng nhằm phục vụ lợi ích chung của mọi thành viên trong xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững hơn.
- Tải toàn văn báo cáo (File PDF, 2,33MB)
- Tóm tắt báo cáo: Khai thác khoảng sản và giảm nghèo: Mối quan hệ trái chiều và một số vấn đề chính sách
- Các thông tin, báo cáo, dữ liệu về tài nguyên khoáng sản khác
Bản quyền báo cáo thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên. Nội dung của báo cáo này có thể được sử dụng cho các mục đích phi thương mại, không cần phải xin phép nhưng cần trích dẫn nguồn.
Đề xuất trích dẫn: Trần Thanh Thủy, Trịnh Lê Nguyên, Nguyễn Việt Dũng (2012). Khoáng sản – Phát triển – Môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn. Hà Nội: Trung tâm Con người và Thiên nhiên.