Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn cấp xã được quy định tại Điều 13 của Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm. Theo đó, với quyền hạn và trách nhiệm của mình, kiểm lâm địa bàn phải thực hiện các nhiệm vụ chính như: tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phương án, kế hoạch bảo vệ rừng (BVR); xây dựng các tổ, đội quần chúng BVR; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện pháp luật, quy ước BVR tại địa bàn; và tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Với vai trò đầu mối thúc đẩy và hỗ trợ chính quyền và cộng đồng địa phương thực thi chính sách và luật pháp QLBVR, kiểm lâm địa bàn đã được xác định là nhân tố không thể thiếu ở các VQG/KBT trong tiến trình xây dựng và triển khai mô hình đồng quản lý rừng đặc dụng như PanNature đã thực hiện từ năm 2010 đến năm 2013 tại Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình.

Hệ thống rừng đặc dụng (RĐD) của Việt nam đã có một lịch sử phát triển hơn 50 năm, nhưng việc áp dụng cơ chế “đồng quản lý” mới chỉ được chính thức quy định trong các chính sách gần đây của nhà nước. Từ năm 2010, PanNature đã phối hợp với FFI – Việt Nam và ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông thử nghiệm mô hình đồng quản lý RĐD với cộng đồng địa phương tại 05 thôn của 04 xã vùng đệm (Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự do và Ngổ Luông) thông qua việc thành lập và vận hành ban tự quản lâm nghiệp thôn. Quá trình triển khai tại địa bàn cho thấy kiểm lâm địa bàn là nhân tố quan trọng giúp kết nối ban quản lý KBT với chính quyền và cộng đồng dân cư thôn để cùng xây dựng cơ chế và hành động phối hợp về quản lý, bảo vệ rừng tại cơ sở.

Mỗi xã vùng đệm của KBT Ngọc Sơn – Ngổ Luông có từ 3-4 cán bộ kiểm lâm địa bàn, có nhiệm vụ phối hợp với UBND xã để thực thi pháp luật về QLBVR, nhất là ngăn chặn khai thác và vận chuyển gỗ lậu, lấn chiếm đất rừng. Các nhiệm vụ khác như tuyên truyền, vận động cộng đồng hay xây dựng tổ đội quần chúng BVR ít được triển khai vì chưa xây dựng được mối quan hệ tin cậy với cộng đồng bởi các xung đột về quyền tiếp cận và sử dụng rừng với người dân thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, vai trò của cán bộ kiểm lâm địa bàn đã thay đổi tích cực khi họ được giao nhiệm vụ tham gia triển khai các bước của quá trình thiết lập cơ chế đồng quản lý RĐD với cộng đồng thôn/xóm.

Các bước đó bao gồm:

(i) Vận động chính quyền địa phương (xã/thôn) ủng hộ và phối hợp khảo sát địa bàn; thông tin, thúc đẩy cộng đồng và tham vấn thiết lập cơ chế phối hợp quản lý rừng đặc dụng (thông qua các ban tự quản lâm nghiệp thôn do UBND xã ra quyết định thành lập);

(ii) Tổ chức đàm phán giữa cộng đồng thôn với ban quản lý KBT và chính quyền địa phương để xây dựng cam kết, kế hoạch phối hợp; quy định trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng tham gia QLBVR;

(iii) Thực thi các cam kết và kế hoạch phối hợp BVR và triển khai các gói hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng thôn tham gia đồng quản lý.

Người dân cùng kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng ở Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Ảnh: PanNature)
Người dân cùng kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng ở Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Ảnh: PanNature)

Kết quả vận động cộng đồng và UBND cấp xã cho thí điểm thành lập các Ban tự quản lâm nghiệp thôn tại Ngọc Sơn – Ngổ Luông là quá trình học hỏi và thay đổi nhận thức của cán bộ kiểm lâm địa bàn của KBT về vị thế của người dân trong BVR, mối quan hệ của họ với KBT và cách thức xúc tiến phối hợp trên thực tế. Trong giai đoạn này, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ lâm nghiệp xã, trưởng thôn và cán bộ dự án của PanNature tổ chức nhiều cuộc họp thôn với các hình thức giao lưu đa dạng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận đồng người dân tham gia BVR. qua đây kiểm lâm địa bàn cũng tham gia tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng thôn về đảm bảo phát triển sinh kế và bảo vệ rừng của họ. Trên cơ sở chia sẻ mục tiêu và lợi ích dự án cũng như nhiệm vụ của KBT, các cuộc thảo luận với cộng đồng thôn đã đi đến thỏa thuận thiết lập một ban tự quản lâm nghiệp thôn/xóm để điều hành và gắn kết các hộ gia đình trong thôn tham gia BVR. Trên cơ sở này, kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho UBND xã và ban quản lý KBT ra quyết định thành lập và công nhận vai trò của ban tự quản lâm nghiệp xóm để triển khai các bước tiếp theo xúc tiến đồng quản lý.

Đàm phán xây dựng các cam kết và kế hoạch phối hợp quản lý: Trong giai đoạn này, cán bộ kiểm lâm địa bàn tiếp tục phối hợp cùng dự án và cán bộ lâm nghiệp xã thảo luận với ban tự quản lâm nghiệp thôn và cộng đồng xây dựng cam kết BVR, gồm những hành vi người dân được phép hay bị cấm tác động vào rừng đặc dụng theo pháp luật hiện hành. bản cam kết này cũng quy định rõ trách nhiệm của cộng đồng, ban tự quản, kiểm lâm địa bàn và ban quản lý KBT, và chính quyền địa phương trong phối hợp BVR. Trên cơ sở đó, kiểm lâm địa bàn tiến hành hướng dẫn các thành viên ban tự quản xây dựng kế hoạch chi tiết tuần tra BVR trên các khu và tuyến rừng trong ranh giới KBT tiếp giáp với địa bàn thôn, xóm. Cán bộ kiểm lâm đồng thời cũng hỗ trợ ban tự quản hoàn thành đề xuất sử dụng gói tài trợ nhỏ cho phát triển sinh kế theo thỏa thuận với cộng đồng, sau đó trình ban quản lý KBT và UBND xã lập hội đồng phê duyệt và giải ngân thực hiện.

Phối hợp tuần tra bảo vệ rừng: Kiểm lâm địa bàn trực tiếp hướng dẫn các ban tự quản về các kỹ năng tuần tra và nghiệp vụ cơ bản trong ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật. Theo định kỳ, kiểm lâm địa bàn thúc đẩy và tham gia cùng ban tự quản và các đại diện các nhóm/tổ hộ gia đình, khoảng 8-12 người, đi tuần tra rừng theo các tuyến rừng có nguy cơ bị xâm hại cao. mỗi chuyến tuần tra rừng kéo dài 01 ngày và được ban tự quản ghi lại thông tin đầy đủ. hoạt động tuần tra phối hợp này đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ tích cực của người dân, chính quyền địa phương và BQL khu bảo tồn. nhiều chuyến có sự tham gia của cả lãnh đạo UBND xã và cán bộ lâm nghiệp xã. nỗ lực này đã góp phần làm giảm rõ rệt số lượng các vụ vi phạm lâm luật năm 2012 ở Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông so với năm 2011(3). hiệu quả tuần tra phối hợp này phụ thuộc nhiều vào khả năng liên kết chặt chẽ giữa cán bộ kiểm lâm địa bàn và ban tự quản lâm nghiệp thôn.

Hỗ trợ triển khai gói tài trợ nhỏ của cộng đồng thôn: Các gói tài trợ nhỏ của dự án (trị giá 55 triệu đồng/thôn) chủ yếu được đầu tư cho sản xuất nông nghiệp (hỗ trợ trồng ngô) theo đề xuất của cộng đồng. Sau khi ban quản lý KBT phê duyệt các gói tài trợ này, cán bộ kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm phối hợp với cán bộ dự án và ban tự quản thôn để hỗ trợ quá trình giải ngân và giám sát kết quả thực hiện, đảm bảo rằng gói tài trợ được sử dụng đúng mục đích và làm tăng thêm sự gắn kết của cộng đồng với các thỏa thuận về tham gia bảo vệ rừng. một trong những ưu tiên quan trọng là cán bộ kiểm lâm địa bàn cần phải đảm bảo rằng thông tin về gói tài trợ và quá trình sử dụng được công khai đầy đủ và minh bạch cho cộng đồng thôn và chính quyền địa phương trong suốt quá trình thực hiện. Kết quả thí điểm ở Ngọc Sơn – Ngổ Luông cho thấy do lựa chọn đầu tư hợp lý, đảm bảo hiệu quả sản xuất của các hộ gia đình, nên giá trị của gói tài trợ được ban tự quản thu hồi và tiếp tục quay vòng hỗ trợ cho mùa vụ canh tác tiếp theo.

Tóm lại, kết quả ban đầu từ thí điểm đồng quản lý rừng đặc dụng tại Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông cho thấy cán bộ kiểm lâm địa bàn là nhân tố chủ chốt trong việc triển khai mô hình sau khi phương hướng và điều kiện thực hiện đã được ban quản lý KBT và cơ quan quản lý xác lập. Vai trò đó thể hiện trong suốt quá trình tuyên truyền, tham vấn, thỏa thuận và cùng phối hợp hành động của kiểm lâm địa bàn với lãnh đạo địa phương, cộng đồng dân cư thông qua thiết chế đại diện ban tự quản lâm nghiệp thôn, và cán bộ dự án như FFi và PanNature. Đây là một tiến trình học hỏi giữa các bên liên quan tại cơ sở, vì thế để làm tốt vai trò hướng dẫn và tạo động lực, cơ chế đồng quản lý rừng đặc dụng tại cơ sở đòi hỏi cán bộ kiểm lâm địa bàn phải được tăng cường năng lực và tích cực củng cố quan hệ với chính quyền và cộng đồng địa phương, nhất là trao đổi thông tin và thúc đẩy cùng thực hiện các kế hoạch phối hợp bảo vệ rừng với cộng đồng.

Nguyễn Xuân Lãm và Nguyễn Việt Dũng –  Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)


 

Bài đăng trên Bản tin Số 40 – 41/Tháng 7 – 2013 của Văn phòng Đối tác Hỗ trợ Ngành Lâm nghiệp (FSSP).

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia