Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5000 mỏ, điểm quặng. Từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm khai thác khoáng sản (bao gồm cả dầu khí) đóng góp khoảng 10-11% GDP và trên 25% tổng thu ngân sách nhà nước. Khai thác khoáng sản cũng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, khoảng 431200 người, chiếm 0,96% tổng lực lượng lao động (Tổng cục Thống kê, 2011).
Nhận thức được tầm quan trọng của khoáng sản trong phát triển đất nước, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện khung pháp lý nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên khoáng sản . Tuy nhiên, trên thực tế triển khai hoạt động khai thác khoáng sản vẫn nhiều bất cập. Tình trạng khai thác ồ ạt tài nguyên khoáng sản và xuất khẩu các sản phẩm sơ chế dẫn đến hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, tỷ lệ thất thoát cao, nguy cơ tài nguyên khoáng sạn bị cạn kiệt và để lại nhiều hậu quả đối với môi trường, xã hội (CODE & VCCI, 2011).
Nhằm đảm bảo để ngành khai khoáng đóng góp tốt hơn vào các mục tiêu phát triển, cần có những nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội tổng thể của ngành khai khoáng, phân chia lợi ích và quản lý nguồn thu thực trạng quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai khoáng. Cụ thể hơn đó là việc tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Tổng hiệu quả kinh tế – xã hội của ngành khai khoáng như thế nào? Ai là người được hưởng lợi và được bao nhiêu từ hoạt động khoáng sản? Nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản hiện được quản lý như thế nào? Và cần có các giải pháp nào để tăng cường hiệu quả và quản lý, sử dụng nguồn thu từ khoáng sản ? Được sự ủng hộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định; Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) triển khai nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội, phân chia lợi ích và quản lý nguồn thu trong khai thác titan tại tỉnh Bình Định”.
Quý vị quan tâm vui lòng tải ấn phẩm tại đây.