Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được chính thức áp dụng đầu tiên tại Hoa Kỳ theo Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) từ 1/1/1970. ĐTM khi đó được xem như một “giải pháp chính trị” nhằm giải quyết những quan ngại về hậu quả môi trường khi nền công nghiệp Hòa Kỳ phát triển bùng nổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế của các công cụ chính sách khác ở thời kỳ đó. Cho đến nay, ĐTM đã và đang được áp dụng rộng rãi ở hơn 100 quốc gia Henriques, Heather-clark, & Gotwals, 2008; Weaver, 2003). ĐTM hiện nay được coi là một công cụ để dự báo và đánh giá các tác động môi trường tiềm ẩn nhằm phục vụ quá trình ra quyết định đối với các đề xuất phát triển (Cashmore, 2004).
Việt Nam đã có gần 20 năm áp dụng ĐTM kể từ khi Luật Bảo vệ Môi trường 1993 được ban hành. Tuy nhiên, vai trò của ĐTM trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vẫn còn khá mờ nhạt. Mặc dù các cơ quan thẩm quyền ở cả cấp Trung ương và địa phương đều đề cao ý nghĩa và khẳng định sự tuân thủ nghiêm túc chính sách thực hiện ĐTM, các nhà môi trường và phân tích chính sách lại đưa ra các bằng chứng và lập luận rằng ĐTM mới chỉ được xem như một thủ tục cho bộ hồ sơ dự án để được cấp phép thực hiện.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện ĐTM còn hạn chế. Khi các dự án phát triển đã được đưa vào quy hoạch hoặc được cam kết thực hiện bằng các “quyết tâm chính trị”, vai trò của ĐTM thường bị xem nhẹ như một thủ tục hành chính để đảm bảo dự án được phê duyệt. Một thực tế khác là việc lựa chọn dựa án và vị trí dự án thường được quyết định trước khi thực hiện ĐTM. Khi đó, công cụ ĐTM ít có vai trò hỗ trợ quá trình ra quyết định mà chỉ dừng lại ở mục tiêu dự báo và đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động môi trường của dự án.
Ngoài ra, các nước phát triển đề cao nguyên tắc tham gia trong quá trình thực hiện ĐTM. Theo đó, ĐTM được xem là cơ hội để các bên liên quan bày tỏ quan điểm của mình đối với đề xuất dự án phát triển và tham gia vào quá trình ra quyết định. Chính sách của Việt Nam cũng yêu cầu thực hiện tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện ĐTM. Tuy nhiên, việc triển khai nội dung này trên thực tế rất hạn chế. Người dân địa phương chưa thực sự được tham gia vào quá trình ra quyết định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các xung đột môi trường đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
Báo cáo này, được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu chính sách của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), phân tích các bất cập trong việc thực hiện ĐTM ở Việt Nam từ các khía cạnh hỗ trợ ra quyết định, sự tham gia của cộng đồng, công khai thông tin và đề xuất các khuyến nghị cải thiện chính sách.
Trong giai đoạn Luật BVMT 2005 đang được nghiên cứu sửa đổi, Trung tâm Con người và Thiên nhiên hy vọng ấn phẩm này sẽ cung cấp cho các bên liên quan những phân tích hữu ích về việc thực hiện ĐTM ở Việt Nam.
Đề xuất trích dẫn: Nguyễn Hoàng Phượng, Trần Thanh Thủy, Nguyễn Việt Dũng (2013). Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: Cải cách chính sách để góp phần giảm xung đột và tranh chấp môi trường. Hà Nội: Trung tâm Con người và Thiên nhiên.
Tải ấn phẩm (file PDF, 1,59 MB) tại đây >>
Đọc tài liệu trực tuyến:
Trung tâm Con người và Thiên nhiên xin chân thành cảm ơn Quỹ Châu Á và Đại sứ quán Anh/FCO đã hỗ trợ cho các hoạt động cũng như xuất bản ấn phẩm này.