Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Nhiều tổ chức xã hội đã tham vấn và cảnh báo về những “hồ chết” của các dự án thuỷ điện với các đập ngăn sông và hồ chứa nước. Tuy nhiên, các địa phương chỉ nghe và bỏ ngoài tai, bởi họ phải chạy theo định hướng phát triển “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”!

Chua chát kể về câu chuyện trên, GS.TS Lê Thạc Cán, viện Môi trường và phát triển bền vững, trong một hội thảo góp ý về vai trò thể chế của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong bảo vệ môi trường được tổ chức gần đây, đã đặt câu hỏi: vai trò của các tổ chức xã hội, cộng đồng đang ở đâu?

Trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014, lần đầu tiên, các tổ chức xã hội và cộng đồng có quyền phản biện và giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc  (MTTQ) Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư có thể tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng các Quy hoạch môi trường, Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường, và một số nội dung khác.

Một “tín hiệu vui”! Khi mà thực tế hiện nay, gần như khắp nơi trong cả nước đang phải chịu quá nhiều tác động tiêu cực do suy thoái môi trường – vốn là hệ luỵ của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, và của việc phụ thuộc tài nguyên trong thập kỉ qua.

Đây không còn chỉ là quyền lợi của các tổ chức xã hội và cộng đồng nữa, mà còn là trách nhiệm.

Tuy nhiên, làm sao để quyền và trách nhiệm này đi được vào thực tiễn cuộc sống, thì vẫn còn nhiều lấn cấn, chưa rõ ràng.

Người dân Bắc Trà My suốt 4 năm qua phải sống trong sợ hãi vì động đất xảy ra liên tục từ khi có thuỷ điện sông Tranh 2. Chỉ riêng từ đầu tháng 6.2014 đến 15.7.2014, đã có 11 trận động đất. Tháng 9.2014 mới đây vừa xảy ra 1 trận động đất 3,6 độ richter (Ảnh: Một Thế Giới)
Người dân Bắc Trà My suốt 4 năm qua phải sống trong sợ hãi vì động đất xảy ra liên tục từ khi có thuỷ điện sông Tranh 2. Chỉ riêng từ đầu tháng 6.2014 đến 15.7.2014, đã có 11 trận động đất. Tháng 9.2014 mới đây vừa xảy ra 1 trận động đất 3,6 độ richter (Ảnh: Một Thế Giới)

Quay lại câu chuyện trên, GS Cán cho biết, trong những năm gần đây, một số tỉnh đã đề xuất và thực hiện quy hoạch các mạng lưới thủy điện với khá nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ. Nhưng theo quy luật thủy lực và thuỷ văn, các hồ này chỉ có tuổi thọ khoảng 10 – 15 năm, nhiều nhất là 20 năm. Sau tuổi đó, hồ chứa sẽ bị cát, sỏi, đá lấp kín và trở thành một vùng đất hoang tàn đầy bùn, cát, sỏi, đá lớn nhỏ. Không còn nước, không còn phù sa, đất đai để canh tác, trồng trọt. Hồ thủy điện trở thành các hồ, mà thuật ngữ thuỷ văn gọi là “hồ chết”.

Tuy nhiên, khi nhiều tổ chức xã hội về thuỷ văn, thuỷ lực tham vấn và cảnh báo những điều này với các địa phương, thì chẳng mấy ai nghe.

Hoặc nghe, nhưng do “nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ đó của cấp uỷ là công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, mà ngoài xây dựng các thuỷ điện, cấp uỷ của tỉnh không có hoạt động công nghiệp hóa, hiện đại hóa nào quan trọng hơn, nên đành quyết định thực hiện, và trong tương lai sẽ tìm giải pháp. (!?)

Câu chuyện thực tế khác, nhiều cơ quan nhà nước cũng gửi văn bản lấy ý kiến tổ chức xã hội, nhưng lại trong thời gian rất ngắn, thậm chí gửi hôm nay thì yêu cầu hôm sau phải… trả lời! Một số dự án thì lại… đã chuẩn bị sẵn và trao nội dung trả lời tư vấn theo hướng nhất trí với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà dự án đã chuẩn bị.

Thậm chí, ngay với một báo cáo ĐTM của những dự án lớn về phát triển kinh tế xã hội, Luật BVMT 2014 quy định: tư chỉ vấn trong vòng 30 ngày. Đây là một điều bất khả thi! Nó sẽ vô hiệu hóa việc tư vấn, làm cho tư vấn báo cáo ĐTM mang tính hình thức.

Theo ông Nguyễn Đức Tùng, phó viện trưởng viện Môi trường và phát triển bền vững, kinh nghiệm cụ thể ở Việt Nam cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới, không thể làm tốt tư vấn báo cáo ĐTM của những dự án này trong 30 ngày. Thông thường, thời gian đó phải là hàng tháng, thậm chí hàng năm. Thực tế ở Việt Nam, nhiều báo cáo ĐTM của dự án phát triển lớn đã phải được tư vấn qua nhiều năm.

Tương tự là tư vấn cộng đồng. Thực tế đa số hiện nay, việc tư vấn cộng đồng mặc nhiên được xem là tư vấn cấp xã. Tuy nhiên, việc thực hiện một dự án phát triển kinh tế xã hội thường có nhiều tác động tài nguyên môi trường trên phạm vi rộng lớn và phức tạp. Báo cáo ĐTM các dự án cũng đòi hỏi thông tin, kiến thức trên nhiều nội dung, nhiều địa bàn khoa học, công nghệ.

Trong khi đó, UBND và cấp xã không thể bao quát, đủ hiểu hết, mà chỉ có thể nhận biết một số tác động trên một số địa bàn, theo một số phạm vi hoạt động nhất định; và thực tế ở nhiều nơi nước ta, cấp xã thường chỉ hỏi về tác động, đất đai, giá cả đền bù. Vì vậy, không thể xem đây là đại diện đầy đủ của cộng đồng liên quan dự án, như trong thực tế trước nay.

Theo ông Tùng, việc tư vấn cần nhất thiết phải “đặt hàng” với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia do chủ dự án quyết định, sau khi đã tham khảo ý kiến của cơ quan sẽ thẩm định bản báo cáo ĐTM dự án. Ngoài ra, cộng đồng nói trên cũng cần được tư vấn trong giai đoạn hậu thẩm định báo cáo ĐTM, nhằm giúp kiểm tra việc chủ dự án đã thực hiện đúng quyết định báo cáo?

Đã có nhiều khẳng định: bất kỳ đề án, dự án nào đều sẽ coi là thất bại, nếu không đặt lợi ích của quốc gia, xã hội, người dân lên hàng đầu. Vì vậy, việc lấy ý kiến của xã hội, người dân vào một đề án cụ thể là một việc cần, cũng là thể hiện quyền làm chủ của người dân.

Cũng không nên quan niệm phản biện nghĩa là phản bội hoặc phản đối. Thay vì sợ phiền hà, mất thời gian, hoặc vì nhiều thứ sợ khác, thì đã đến lúc không thể trễ hơn nữa, mà cần xem tư vấn, phản biện và giám định xã hội như là một hoạt động thường xuyên, hiển nhiên, từ đó giúp các cơ quan chức năng có thêm thông tin khách quan, khoa học, để quyết định vấn đề một cách chính xác!

Nguồn: Một Thế Giới

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia