Ngoài các dự án thủy điện dòng chính trên thượng nguồn sông Mê Kông mà Trung Quốc đã, đang và sẽ xây dựng, hiện nay ở hạ lưu lưu vực Mê Kông các quốc gia cũng có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính, trong đó 9 đập được dự kiến ở Lào và 2 đập ở Campuchia. Nếu tất cả 11 đập ở hạ nguồn được xây dựng, tác động được dự đoán sẽ rất nghiêm trọng và vĩnh viễn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về phù sa, dòng chảy, thủy sản, cùng các hệ lụy kéo theo về kinh tế, xã hội, sinh thái.
Tháng 12 năm 2012, mặc dù còn nhiều tranh cãi, Chính phủ Lào đã khởi công đập Xayaburi, đến nay đã đạt khoảng 30% tiến độ xây dựng. Tiếp theo, tháng 10 năm 2013 Chính phủ Lào thông báo cho Ủy hội Mê Kông Quốc tế (MRC) và các quốc gia thành viên về ý định xây dựng đập thứ hai – Don Sahong. Con đập này theo nhiều nghiên cứu sẽ tác động nghiêm trọng lên nguồn thủy sản của lưu vực vì có vị trí ngay tại “nút thắt cổ chai” cho luồng di cư của cá trên sông Mê Kông.
Theo quy định của Hiệp định hợp tác Mê Kông 1995, các quốc gia thành viên MRC đề xuất xây dựng công trình sử dụng nước dòng chính sẽ phải đệ trình hồ sơ thực hiện quy trình PNPCA (Thông báo, Tham vấn, Thỏa thuận trước) để các quốc gia có cơ hội đánh giá các tác động xuyên biên giới đối với dự án và cố gắng đi đến một thỏa thuận. Một trong những tài liệu được đệ trình trong bộ hồ sơ là Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (Báo cáo ĐTM) của dự án, sẽ được lấy làm cơ sở để các bên đánh giá. Trường hợp của Xayaburi, báo cáo Đánh giá tác động môi trường được cho là kém chất lượng và không có đánh giá tác động xuyên biên giới. Điều đáng tiếc là con đập dòng chính thứ hai Don Sahong cũng đi theo tiền lệ xấu của Xayaburi.
Trong ấn phẩm “Thủy điện Don Sahong: Tác động và lỗ hổng trong đánh giá tác động môi trường” , Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, Nguyên Trưởng nhóm Tư vấn Quốc gia về đánh giá môi trường chiến lược hệ thống đập dòng chính hạ nguồn Mê Kông, tác giả ấn phẩm đã lần lượt giới thiệu những thông tin chính về thủy điện Don Sahong, tác động tiềm ẩn của dự án này đối với vùng Hạ lưu vực Mê Kông, trong đó có ĐBSCL, đồng thời chỉ ra các lỗ hổng trong Báo cáo ĐTM của dự án.
Ấn phẩm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) xuất bản ấn phẩm với sự hỗ trợ của Quỹ các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF).
Mời quý vị đọc báo cáo trực tuyến tại đây.
Hoặc tải bản điện tử của ấn phẩm tại đây: File PDF (3.811 Kb)