Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và tạo thêm nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN), cùng với quá trình cải cách hệ thống chính sách thu NSNN, Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách thu đối với lĩnh vực tài nguyên, bao quát tất cả các khâu từ khai thác, sử dụng đến xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế tài nguyên thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Theo đó, đối tượng chịu thuế đã được mở rộng và khung thuế suất đối với một số nhóm tài nguyên cũng đã được điều chỉnh hợp lý hơn. Chính sách thuế xuất khẩu cũng liên tục được điều chỉnh nhằm hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên thô. Cùng với đó, nhiều chính sách phí và lệ phí áp dụng đối với hoạt động khai thác tài nguyên cũng được xây dựng và tổ chức thực hiện.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều đánh giá khá trái chiều về thu ngân sách đối với khai thác tài nguyên. Có ý kiến cho rằng, các tổ chức khai thác và sử dụng tài nguyên ở Việt Nam đang phải gánh vác các nghĩa vụ tài chính quá nặng nề. Có ý kiến cho rằng, mức thu ngân sách đối với khai thác tài nguyên ở Việt Nam còn thấp. Có ý kiến cho rằng, công tác quản lý thu đối với khai thác tài nguyên còn lỏng lẻo. Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng ngân sách từ khai thác tài nguyên còn rất nhiều bất cập. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm góp phần trả lời các câu hỏi sau:
(i) Hệ thống chính sách thu đặc thù cho lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Việt Nam có những điểm gì khác biệt so với một số quốc gia trong khu vực?
(ii) Mức thu các khoản đóng góp trong lĩnh vực khai thác khoáng sản theo quy định chính sách của Việt Nam có phù hợp không?
(iii) Hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản ở Việt Nam như thế nào? Các lỗ hổng trong chính sách hoặc công tác quản lý thu hay không?
(iv) Ngân sách, đặc biệt là ngân sách từ khai thác tài nguyên đã được quản lý và sử dụng như thế nào?
(v) Các giải pháp nhằm tăng hiệu quả thu và quản lý ngân sách từ khai thác tài nguyên.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc rà soát các chính sách thu hiện hành, đánh giá công tác quản lý thu liên quan đến lĩnh vực tài nguyên tại Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhằm làm rõ những mặt tích cực và hạn chế trong việc quản lý thu ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách thu và công tác quản lý thu theo hướng khuyến khích khai thác tài nguyên tiết kiệm, đồng thời đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ khai thác tài nguyên, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Mời quý vị đọc báo cáo trực tuyến tại đây:
Hoặc tải bản điện tử của báo cáo tại đây: File PDF (1.115 Kb)