Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo khẳng định bảo vệ dòng sông Mekong có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững khu vực này.

Thông cáo báo chí của Vụ Các vấn đề công thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ngày 2/2, Cố vấn Tom Shannon và Cố vấn cấp cao, Đại sứ David Thorne của Bộ Ngoại giao Mỹ đã dẫn đầu một phái đoàn tham dự Cuộc họp Đặc biệt của Nhóm Hạ nguồn Mekong và Những người bạn (FLM) tại Pakse (Lào).

Đây là lần đầu tiên nhóm FLM cùng với các nước Hạ nguồn Sông Mekong thảo luận về sự liên kết giữa nguồn nước, nhu cầu năng lượng và an ninh lương thực trong khu vực.

Vị trí Lào sẽ xây dựng thủy điện Don Sahong trên sông Mekong. (Ảnh do Tổ chức Sông ngòi quốc tế cung cấp)
Vị trí Lào sẽ xây dựng thủy điện Don Sahong trên sông Mekong. (Ảnh do Tổ chức Sông ngòi quốc tế cung cấp)

Phát biểu tại cuộc họp, phái đoàn Mỹ đã công bố một số sáng kiến mới, trong đó có Sáng kiến Năng lượng Mekong Bền vững (SMEI) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Qua sáng kiến này, Mỹ mong muốn thúc đẩy việc sử dụng các loại năng lượng thay thế và công nghệ ít thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Phía Mỹ cũng cho biết Bộ Ngoại giao nước này sẽ thu xếp và cử Phái đoàn Doanh nghiệp Năng lượng Bền vững tới khu vực Hạ nguồn sông Mekong vào cuối năm nay.

Liên đoàn Kỹ sư Quân đội Mỹ (USACE), cơ quan phụ trách xây dựng và quản lý các công trình thủy điện-thủy lợi hàng đầu của Mỹ, tuyên bố sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong công tác quản lý thủy điện. Trong khi đó, Ủy ban Sông Mississippi đã ký gia hạn 5 năm thỏa thuận với Ủy hội Sông Mekong nhằm trao đổi nghiệp vụ và thông tin giữa hai bên.

Cố vấn Shannon và Đại sứ Thorne thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đóng góp 500.000 USD để hỗ trợ Ủy hội Sông Mekong nghiên cứu các ảnh hưởng của thủy điện đối với cộng đồng và môi trường tại khu vực này.

Theo con số thống kê dược đưa ra trong buổi toạ đàm “Thủy điện Don Sahong và thách thức đối với Việt Nam” do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức hồi tháng 12/2014, trên dòng sông Mekong từ Trung Quốc đến Campuchia có tất cả 19 dự án thủy điện. Trong đó, sáu đập đã hoàn thành, còn lại đang và sẽ xây dựng. 

Trong diễn biến mới nhất, các cơ quan chức năng Lào đang gấp rút chuẩn bị để triển khai xây dựng thủy điện Don Sahong vào mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 5) năm nay, ngay sau khi kết thúc quy trình tham vấn trước.

Ngày 24/1, các nước thành viên là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam gửi đến Ủy ban sông Mekong (MRC) kết quả quá trình tham vấn trước do mỗi nước thực hiện về dự án thủy điện Don Sahong. Ban Thư ký MRC sẽ tổng hợp và trình lên Hội đồng MRC trong  một cuộc họp được tổ chức ngay sau đó để ra thông báo chính thức về dự án này.

Tại Việt Nam, 16 cuộc tham vấn, lấy ý kiến người dân ĐBSCL theo hình thức hội thảo đã được MRC Việt Nam phối hợp Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tổ chức.

Quá trình tham vấn đã cung cấp cho người dân thông tin về thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, dự án thủy điện Don Sahong và các tác động có thể xảy ra đối với ĐBSCL…

100% ý kiến phản đối việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mekong, thậm chí nhiều ý kiến đề nghị dù Lào đồng ý chia sẻ lợi ích bao nhiêu phần trăm thì Việt Nam cũng không nên đồng ý.

MRC Việt Nam đã đề nghị cần gia hạn thời gian tham vấn trước đối với dự án thuỷ điện Don Sahong đến cuối năm 2015.

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, TS Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực MRC Việt Nam khẳng định: “Với việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long của nước ta sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề”.

Theo đó, ông cũng chỉ ra sự cần thiết phải nghiên cứu đánh giá điều kiện nền nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. “Đây là cách nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam”, TS Nguyễn Thái Lai nói.

Trên thực tế từ tháng 6/2013 Việt Nam bắt đầu tiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Các nghiên cứu chỉ ra việc xây dựng các công trình thủy điện gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế trên lưu vực sông Mekong – nơi sinh sống của hơn 20 triệu người.

Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng kết quả nghiên cứu  là mục tiêu quan trọng không những giúp Chính phủ Việt Nam mà cả chính phủ 4 nước ven sông đưa ra những quyết định trên cơ sở khoa học về phương thức khai thác dòng sông Mekong, đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện.

Nguồn: Báo Đất Việt

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia