Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đối thoại thành công với phía bạn Lào để có các cân nhắc cẩn trọng trong việc xây dựng thủy điện Don Sahong.

Đây là mong muốn của ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm con người và Thiên nhiên thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, đơn vị có nhiều nỗ lực trong việc tập hợp ý kiến, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong việc Lào xây dựng thủy điện trên dòng Mekong và những nguy cơ Việt Nam có thể đối mặt.

PV: Thưa ông, những tham vấn tích cực về thủy điện Don Sahong do các cơ quan của Việt Nam thực hiện, cùng với đó là tiếng nói thẳng thắn của các quốc gia có liên quan về ảnh hưởng của thủy điện này tới dòng Mekong trong năm 2014, có được coi là tín hiệu tích cực trong việc bảo vệ dòng Mekong hay không và vì sao? Nếu thành công trong vấn đề thủy điện Don Sahong, tương lai của dòng Mekong sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Trịnh Lê Nguyên: Không chỉ đối với Don Sahong mà từ khi Chính phủ Lào tiến hành thủ tục dự án thủy điện Xayabury, con đập dòng chính đầu tiên ở hạ lưu Mekong, các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng như các tổ chức phi chính phủ khu vực và quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại.

Tuy nhiên, tiến trình tham vấn của dự án Don Sahong đã có phần mở và có sự tham gia rộng rãi của nhiều bên khác nhau hơn – đặc biệt là ở Việt Nam.

Ngoài tiến trình tham vấn chính thức do Ủy ban sông Mekong Việt Nam thực hiện, các tổ chức xã hội cũng đã tích cực tham gia tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, lấy ý kiến của cộng đồng và các bên liên quan khác nhau.

Mặc dù thời gian để tham vấn là quá ngắn nhưng cho đến nay đa số các bên được tham vấn đều bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng từ Don Sahong cũng như các dự án thủy điện dòng chính sông Mekong.  

Cho đến nay, với những phản hồi từ phía Lào thì dường như bạn vẫn kiên định với kế hoạch xây dựng đập Don Sahong và thậm chí đang lên kế hoạch cho một loạt dự án thủy điện dòng chính nữa.

Đây là tín hiệu đáng lo ngại, không chỉ riêng về tác động từ chuỗi các con đập này lên hạ lưu mà còn ảnh hưởng tiêu cực lên quan hệ hợp tác giữa các quốc gia ven sông, đi ngược lại tinh thần hợp tác Mekong và các cam kết song phương, đa phương giữa các quốc gia.

Có thể nói vấn đề đập thủy điện dòng chính đang có khả năng ảnh hưởng một cách toàn diện lên mối quan hệ hợp tác khu vực Mekong.

Khu vực Lào xây đập thủy điện Xayabury - ảnh do cán bộ Trung tâm con người và Thiên nhiên chụp khi đi khảo sát khu vực dự án triển khai.
Khu vực Lào xây đập thủy điện Xayabury – ảnh do cán bộ Trung tâm con người và Thiên nhiên chụp khi đi khảo sát khu vực dự án triển khai.

PV: Giới chuyên môn cho rằng, vấn đề còn lại là các nước trong Ủy hội trong đó có Việt Nam cần nhanh chóng trưng bằng chứng khoa học để chứng minh cho nước bạn thấy được bức tranh giữa việc làm thủy điện sẽ có lợi – hại ra sao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vai trò của bằng chứng khoa học chỉ có tác dụng lớn nhất khi đối tác lắng nghe và nhìn vào lợi ích toàn cục. Quan điểm của ông như thế nào? Trong trường hợp đó, sự tham gia và trách nhiệm các nước lớn (như tiếng nói của Mỹ trong năm vừa qua) có vai trò như thế nào?

Ông Trịnh Lê Nguyên: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Các bằng chứng khoa học là nền tảng thảo luận chỉ khi các bên có cùng thiện chí hợp tác và chấp nhận những tiêu chuẩn cơ bản được chấp nhận rộng rãi. Khi thiếu sự lắng nghe và cam kết vì lợi ích toàn cục thì thậm chí “khoa học” còn bị lạm dụng để biện minh cho các tham vọng đơn phương.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia trong thời đại ngày nay không thể tách lợi ích của mình riêng ra khỏi lợi ích của các quốc gia khác. Bên cạnh hợp tác Mekong, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chúng ta còn đang nỗ lực để biến ASEAN thành một cộng đồng chung để cùng phát triển và thịnh vượng. Do đó, vấn đề lợi ích phải được xem xét một cách tổng thể, trong bức tranh hợp tác phát triển rộng hơn.

Các nước lớn cũng có lợi ích của mình khi giúp cho khu vực Mekong phát triển thịnh vượng và ổn định. Các quốc gia thành viên cũng như ASEAN đang mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đối tác lớn trên nhiều bình diện khác nhau, đặc biệt là các cam kết đầu tư và thương mại. Không riêng Hoa Kỳ mà các quốc gia khác như Nhật Bản, Australia, Liên minh châu Âu, … cũng đã và đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Mekong thông qua hỗ trợ cho Ủy hội sông Mekong quốc tế và nhiều sáng kiến khác.

Với lợi thế vai trò cường quốc, sức mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật cũng như mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên, việc Hoa Kỳ chủ động thể hiện vai trò ngày càng tích cực hơn trong các đối thoại về phát triển sông Mekong là điều đáng ghi nhận.

PV: Về phần mình, trong năm 2015 tới đây, theo ông Việt Nam cần làm gì và lên tiếng như thế nào để cứu dòng Mekong, đồng nghĩa với duy trì sinh kế cho hàng chục triệu người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long? Ông kỳ vọng gì vào những kết quả sẽ đạt được trong năm 2015?

Ông Trịnh Lê Nguyên: Tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đối thoại thành công với phía bạn Lào để có các cân nhắc cẩn trọng trong việc xây dựng thủy điện Don Sahong và các dự án đập dòng chính khác.

Trong bối cảnh hiện tại Việt Nam đang tích cực, chủ động triển khai nghiên cứu về tác động của thủy điện dòng chính lên khu vực hạ lưu, các quốc gia phía thượng lưu nên có thiện chí để cùng Việt Nam xác định, đồng thuận các kịch bản phát triển tốt nhất, ít gây hại nhất.

Nếu như các quốc gia xây đập hưởng lợi mà Việt Nam phải gánh chịu các tổn thất thì lợi ích toàn cục cũng không thể được đảm bảo. Việt Nam và các quốc gia thành viên khác của Ủy hội sông Mekong đang đề xuất phía Lào mở rộng thời hạn tham vấn để có đủ thời gian nghiên cứu, hiểu rõ hơn về những tác động, ảnh hưởng tiềm tàng của dự án. Tôi cho rằng đây là đề nghị hợp lý, thiện chí trong khuôn khổ hợp tác Mekong.

Trong trường hợp các quốc gia thượng lưu vẫn kiên trì quan điểm xây đập, Việt Nam cần chuẩn bị các phương án để thích ứng và bảo vệ lợi ích của mình. Chúng ta không thể bỏ qua quyền lợi và cuộc sống của hàng chục triệu người dân có nguy cơ gánh chịu tác động tiêu cực do thủy điện thượng nguồn gây ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Đất Việt

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia