Nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng và tài nguyên rừng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ phát triển tế cho cộng đồng địa phương, Chính phủ đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách, bao gồm kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý rừng, cải thiện hệ thống chính sách và pháp luật, tham gia nhiều sáng kiến, công ước quốc tế về quản trị rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó đáng chú ý là chủ chương áp dụng các phương thức quản lý và quản trị rừng có sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là hướng đến thúc đẩy cộng đồng tham gia quan lý bảo vệ rừng và được chia sẻ lợi ích từ việc tham gia đó. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, việc tham gia của cộng đồng vẫn chủ yếu ở hình thức nhận khoán bảo vệ rừng và hưởng công bảo vệ cho một diện tích nhất định theo quy định của nhà nước – thường ở mức thấp chưa đủ đáp ứng được mục tiêu giảm đói nghèo hay ổn định sinh kế của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Lý do chủ yếu gồm: (i) thiếu cơ chế rõ ràng cho việc tham gia; (ii) cơ chế chia sẻ lợi ích chưa đủ hấp dẫn; (iii) Nhận thức và năng lực thúc đẩy của các bên liên quan yếu; và (iv) văn hoá và năng lực của cộng đồng.
Trong những năm qua, PanNature đã và đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để thực hiện thí điểm các mô hình về đồng quản lý rừng tại Việt Nam. Các kết quả thu được trong quá triển triển khai đã được Trung tâm đúc kết gửi cho chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng lấy làm cơ sở thực tiễn xây dựng các chính sách về sự tham gia của cộng đồng và chia sẻ lợi ích trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và phát triển, các hoạt động đã giúp PanNature tự nâng cao năng lực, trở thành một trong những tổ chức có chuyên môn cao trong lĩnh vực thúc đẩy quản trị rừng bền vững ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ hoạt động do GREEN Mekong Challenges Fund tài trợ, năm 2014, Trung tâm Con người và Thiên nhiên Phát triển khoá tấp huấn kéo dài 5 ngày cho đại diện các bên liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý và bảo vệ rừng tại Huyện Đặk Glei, tỉnh Kon Tum, gồm: ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, cán bộ hạt kiểm lâm (kiểm lâm địa bàn), chính quyền cấp xã và đại diện cộng đồng dân cư sống gần rừng. Kèm theo đó là việc phát triển biên soạn cuốn “Sổ tay thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý và bảo vệ rừng” dành cho học viên. Cuốn sổ tay này là tổng hợp các kiến thức kỹ năng được biên dịch, tổng hợp và trích xuất từ các tài liệu sau:
- Cẩm nang tập huấn: Cải thiện công bằng cơ sở trong bối cảnh quản trị rừng và biến đổi khí hậu của RECOFTC, 2014.
- Tài liệu tập huấn kiểm lâm Nguyễn Việt Dũng, PanNature, 2008.
- Kỹ yếu hội thảo quốc gia về Đồng quản lý rừng: khái niệm và thực tiễn tại Việt Nam, GTZ 2010.
- Kỹ thuật đàm phán và hoà giải trong quản lý tài nguyên thiên nhiên của tác giả Antonia Engel và Bêndikt Korf, FAO 2005
- Hướng dẫn về chính sách và thực tiễn cho Đồng quản lý rừng đặc dụng và khu bảo tồn rừng cộng đồng của tác giả Grazia Borrini-Feyerabend và cộng sự, IUCN, 2004
Ngoài ra, trong cuốn số tay cũng có sử dụng một số các tư tiệu và thông in từ các tại liệu nghiên cứu sẵn có từ các tổ chức khác.
Cuốn sổ tay này gồm 3 phần chính gồm: Phần 1: Khái niệm đồng quản lý rừng, sự tham gia của các bên, khung chính sách của Việt Nam liên quan đến đồng quản lý rừng; Phần 2: Kỹ năng thúc đẩy cộng đồng tham gia đồng quản lý rừng; và Phần 3: Công cụ đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia – công cụ cần thiết cho việc thúc đẩy đồng quản lý rừng.
Mời quý vị đọc tài liệu trực tuyến tại đây:
Hoặc tải bản điện tử tại đây: File PDF (2,687 Mb)