Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Sau 30 năm Đổi Mới, Việt Nam đã chuyển mình về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo với nhiều thành tựu được ghi nhận rộng rãi. Song song với quá trình mở cửa, Việt Nam cũng đã nhận được nhiều sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với vị thế là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, Việt Nam đã đầu tư nhiều nguồn lực để giữ gìn nguồn di sản thiên nhiên quý báu này. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là đa dạng sinh học của Việt Nam đã và đang bị giảm sút nghiêm trọng theo thời gian và chưa hề có dấu hiệu phục hồi.

22052015_baotonDDSH
(Ảnh minh họa: Earthfirstnews.wordpress.com)

Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ quốc tế cho bảo tồn đa dạng sinh học đang có xu hướng giảm rõ rệt – đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức ra khỏi danh sách các nước nghèo theo tiêu chí của các nhà tài trợ quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp dường như không có chỉ báo tích cực lên bảo tồn đa dạng sinh học. Ngược lại, dưới sức ép của phát triển kinh tế, dân số tăng và nhu cầu vật chất ngày càng cao, tham nhũng, nạn cấu kết giữa các nhóm lợi ích nhằm chiếm đoạt tài nguyên, sự lơ là và yếu kém của nhiều chính quyền địa phương đã vô hiệu hóa những nỗ lực giữ gìn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học thiên nhiên ban tặng. Chúng ta đang đứng trước bi kịch tài sản công.

Trong khi kinh tế thị trường và thể chế pháp quyền đang được xây dựng, việc phân cấp, phân quyền trong quản lý tài nguyên thiên nhiên đã và đang bộc lộ nhiều mặt trái. Do thiếu vắng cơ chế giám sát và kiểm soát hữu hiệu, nhiều nguồn lực “tài sản quốc gia” dưới thẩm quyền địa phương đang bị mai một hàng ngày. Hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn hiện nay là một ví dụ. Ngoại trừ 6 vườn quốc gia thuộc quản lý của chính quyền trung ương, phần còn lại của hệ thống này đang tồn tại phụ thuộc vào ý chí và năng lực của các cấp chính quyền địa phương. Thực tế đã cho thấy vô vàn bất cập khi nhiều địa phương thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thậm chí thiếu tinh thần hợp tác cũng như năng lực để giữ gìn nguồn tài sản có tầm quan trọng quốc gia và thậm chí toàn cầu này.

Quá trình “đua tăng trưởng” giữa các địa phương cũng là một nguyên nhân lớn của quá trình phân mảnh, phá vỡ cấu trúc và tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên – nơi lưu giữ tài nguyên đa dạng sinh học giàu có. Với ưu tiên cao nhất cho chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, các chương trình, dự án thủy điện, khai khoáng, cơ sở hạ tầng, cây công nghiệp, v.v. đã phát triển một cách ồ ạt, thiếu tính toán, bỏ qua các tác động tiềm tàng về lâu dài. Các công cụ phòng ngừa như ĐTM, ĐMC hầu như không thể phát huy tác dụng hoặc bị vô hiệu hóa bởi sức ép phát triển và từ các nhóm lợi ích. Các kế hoạch, quy hoạch phát triển địa phương dù có gán thêm “phát triển bền vững” thì cũng khó có thể giữ ưu tiên cho bảo tồn tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học khi mà tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu số một.

Ông Trịnh Lê Nguyên trình bày tại Tọa đàm
Ông Trịnh Lê Nguyên trình bày tại Tọa đàm

Hệ thống khu bảo vệ ở Việt Nam là một trong những nơi cuối cùng để hy vọng gìn giữ những giá trị đa dạng sinh học của thiên nhiên. Tuy nhiên, hệ thống này cho đến nay đã lỗi thời và không theo kịp đà phát triển chung của xã hội. Tư duy phân quyền, phân cấp quản lý không phải lúc nào cũng hữu hiệu – đặc biệt trong bối cảnh các cơ chế giám sát, kiểm soát chưa được phát triển đầy đủ. Ngoài ra, việc trao quyền quản lý nguồn tài sản quốc gia này cho các cấp chính quyền địa phương khi họ đang phải đối mặt với các ưu tiên phát triển khác là không thực tế. Với số lượng các khu bảo tồn hiện nay, cần thiết phải tập trung quản lý để đảm bảo nguồn lực, ưu tiên và hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức thống nhất, nâng cao năng lực, phân công nhiệm vụ, đảm bảo nguồn tài chính từ ngân sách trung ương cũng như các nguồn tài chính tiềm năng như dịch vụ môi trường rừng, cho thuê rừng, v.v. để tăng cường công tác bảo tồn. Cần nhấn mạnh ưu tiên về mặt chính sách đối với hệ thống khu bảo tồn này và ưu tiên này phải được đặt lên trước so với bất kỳ quy hoạch phát triển nào của địa phương để tránh tình trạng chồng chéo, “ăn bớt” các khu vực bảo tồn dưới sức ép từ các chương trình, dự án kinh tế – xã hội.

Một khía cạnh khác trong bối cảnh hội nhập khu vực đang diễn ra hiện nay là tiềm năng hợp tác bảo tồn liên biên giới. Các hệ sinh thái tự nhiên vốn dĩ không phụ thuộc các địa giới hành chính cũng như quốc gia. Đa dạng sinh học của Việt Nam nằm trong tổng thể sự giao thoa, gắn kết với các vùng sinh thái trong khu vực. Việc thiết lập các khu bảo tồn liên biên giới cũng sẽ mở rộng cơ hội duy trì các quần thể động thực vật quan trọng, có ý nghĩa toàn cầu – đặc biệt các quần thể động vật lớn cần có các khu vực sinh cảnh đủ rộng và đa dạng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn thiếu vắng các hợp tác cụ thể, rõ ràng về bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng như Lào, Cambodia, Trung Quốc.

Trong khuôn khổ tọa đàm này, chúng tôi cũng muốn đề cập đến một mối liên kết cần thiết cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của chúng ta. Đó là liên kết, hợp tác giữa các tổ chức xã hội với chính phủ. Khi các nguồn hỗ trợ từ quốc tế giảm bớt, các tổ chức quốc tế đang chuyển dần ưu tiên sang các khu vực khác, chúng ta cần thiết phát huy nội lực từ bản thân hệ thống các tổ chức xã hội như một kênh mới để hỗ trợ cho bảo tồn. Hệ thống các tổ chức hiện nay đang dần lớn mạnh, ít nhất là về nguồn lực con người, khi mà ở nhiều tổ chức có hệ thống từ trung ương đến địa phương (ví dụ như VACNE, VUSTA). Bản thân các tổ chức phi chính phủ trong nước như PanNature đã và đang triển khai các hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau, tích lũy nhiều kiến thức và kinh nghiệm có thể hỗ trợ tốt cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai, thực hiện các hoạt động ở nhiều địa phương không hề đơn giản. Như đã đề cập ở phần trên, những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền và năng lực cũng như sự quan tâm của nhiều chính quyền địa phương đang là cản trở lớn cho các tổ chức xã hội trong nước có thể mở rộng phạm vi hỗ trợ.

Sự tham gia của các tổ chức xã hội trong bảo tồn đa dạng sinh học cũng nằm trong xu hướng xã hội hóa mà Chính phủ đang thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các tổ chức xã hội có thể phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá lại các ưu tiên cho bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam. Hiện tại, các quy hoạch liên quan đến bảo tồn ĐDSH vẫn rất thiếu những sáng kiến mới, chưa bắt kịp với các xu hướng phát triển của xã hội và thiếu tính liên kết. Các tổ chức xã hội với kinh nghiệm thực tiễn của mình có thể tham gia đóng góp vào các quá trình chính sách thông qua nhiều hình thức khác nhau như các nhóm kỹ thuật, tham vấn công chúng, thúc đẩy sự quan tâm của xã hội đối với các hoạt động bảo tồn. Các kết quả điều tra, nghiên cứu, thí điểm trên thực tế của các tổ chức xã hội cũng có thể giúp cải thiện các chính sách. Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát, phản biện, đối thoại của các tổ chức xã hội cũng có thể góp phần nâng cao chất lượng chính sách, giải quyết xung đột trong hoạt động bảo tồn ĐDSH.

Tóm lại, các cơ hội để mở rộng và thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các tổ chức xã hội và Chính phủ khá đa dạng, nhiều tiềm năng và có thể góp phần thúc đẩy các mục tiêu bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên ĐDSH của Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng rằng những thảo luận trong tọa đàm hôm nay sẽ mở ra thêm nhiều ý tưởng, hướng đi mới cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.


Tham luận của ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên tại Tọa đàm bàn tròn “Liên kết bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững” tại Hà Nội, ngày 22/05/2015 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Môi trường tổ chức. 

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia