Việt Nam hiện có khoảng 1.481.000 hộ gia đình và 10.006 cộng đồng dân cư thôn bản được giao rừng, 164 Ban quản lý rừng đặc dụng, 229 Ban quản lý rừng phòng hộ và 139 Công ty Lâm nghiệp. Phần lớn chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, phân tán; quyền hạn và lợi ích của các chủ rừng thường chưa được tôn trọng hoặc khó thực hiện; chưa tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình; thiếu kiến thức và kỹ năng làm rừng; chưa có sự liên kết để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chủ rừng là các tổ chức cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách, cơ chế còn chưa phù hợp; hiệu quả quản lý rừng và kinh doanh còn hạn chế… Trong bối cảnh đó, những người tâm huyết với rừng đã có sáng kiến đề xuất thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam.
Hội Chủ rừng Việt Nam được vận động thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết các chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến hoạt động của các chủ rừng trên lãnh thổ Việt Nam để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định của pháp luật; giúp nhau trong quản lý rừng, sản xuất kinh doanh rừng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng Trung tâm Con người và Rừng (RECOFTC), Quỹ Winrock qua Dự án Rừng và Đồng bằng; Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đang tham gia hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam. Trong khuôn khổ hoạt động này, PanNature cùng các đối tác xuất bản tài liệu dưới đây nhằm giới thiệu một cách ngắn gọn, bao quát nhất về mục đích, cách thức tham gia và lợi ích khi tham gia Hội Chủ rừng Việt Nam.
Chi tiết về ấn phẩm: File PDF
Đọc online: