Chuyển giá ở doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khai thác khoáng sản nói riêng là hiện tượng diễn ra từ lâu và khá phổ biến. Hệ lụy của việc chuyển giá không chỉ gây thất thu thuế dẫn đến thất thu ngân sách mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Điều đáng nói là việc áp dụng cơ chế chống chuyển giá hiện nay vẫn còn nhiều thách thức do những hạn chế về mặt pháp lý cũng như năng lực hệ thống quản lý thuế.
Khó bắt lỗi chuyển giá
Hành vi chuyển giá diễn ra ở cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng trầm trọng nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà hầu như năm nào tỷ lệ các doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài khai lỗ chiếm đến khoảng từ 30% đến 50% số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, cá biệt như năm 2009, có 760/1.358, tức là có tới 56% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ. Tất nhiên, có thể có trường hợp lỗ thật và số lỗ này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể loại trừ khả năng chuyển giá, bởi vì, nếu đó là lỗ thực sự thì không thể có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã xác định giá chuyển giao khác xa giá thị trường. Đơn cử như kết quả giám định của Công ty giám định quốc tế Thuỵ Sĩ (SGS) cho thấy Liên doanh Khách sạn Thăng Long (TP Hồ Chí Minh) – giá trị thiết bị khai báo 496.906 USD, giá trị thẩm định khai khống là 190.006 USD, chiếm tỷ lệ 40,43%; Trung tâm quốc tế dịch vụ văn phòng (Hà Nội) – giá trị thiết bị khai báo là 1.288.170 USD, giá trị thẩm định khai khống là 260.000 USD, tỷ lệ 21,16%; Công ty ô tô Hoà Bình (Hà Nội) – giá trị thiết bị khai báo là 5.823.818 USD, giá trị thẩm định khai khống là 1.602.298 USD, chiếm tỷ lệ 27,51%”.
Thủ thuật chuyển giá chủ yếu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản là nâng khống giá trị máy móc thiết bị, đặc biệt là các thiết bị khai khoáng đặc chủng do công ty mẹ ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; hoặc núp dưới hình thức công ty mẹ cho công ty con ở Việt Nam vay vốn với lãi suất cao; hoặc xác định giá xuất khẩu khoáng sản của công ty con cho công ty mẹ với giá rất thấp… Điều đáng nói là mặc dù biết đây là những trường hợp có dấu hiệu chuyển giá nhưng ngành Thuế cũng không dễ gì buộc các doanh nghiệp này thừa nhận hành vi chuyển giá. Chẳng hạn như đối với máy móc thiết bị chuyên dùng cho khai khoáng nhập khẩu thì đi tìm giá của thiết bị tương đương để so sánh là rất khó khăn hoặc trường hợp doanh nghiệp Việt Nam khai thác khoáng sản ra chỉ duy nhất bán cho công ty mẹ ở nước ngoài thì cũng không có giá bán của doanh nghiệp đó cho người mua không có mối quan hệ liên kết để so sánh.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân…
Chuyển giá diễn ra do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trước hết, cần lưu ý rằng, cơ sở cho việc chuyển giá xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể kinh doanh hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch kinh tế. Do vậy, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn. Quyền này được pháp luật về kinh doanh của mọi quốc gia thừa nhận, nó chỉ bị hạn chế bởi các quy định pháp luật có liên quan, chẳng hạn như pháp luật về cạnh tranh, về thương mại hoặc chính bởi những điều luật về định giá chuyển giao.
Như vậy, do lợi ích của mình nên các doanh nghiệp luôn có động cơ chuyển giá. Chuyển giá không phải là hành vi vi phạm pháp luật mà khi có chuyển giá không thực hiện các thủ tục kiểm soát chuyển giá theo quy định của pháp luật thì mới là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là chuyển giá càng diễn ra trầm trọng thì năng lực kiểm soát chuyển giá của cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan càng hạn chế. Đáng chú ý là năng lực kiểm soát chuyển giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Hành lang pháp lý về kiểm soát chuyển giá; khả năng thu thập và xử lý thông tin của cơ quan thuế về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; trình độ và đạo đức nghề nghiệp của công chức thanh tra thuế; mức độ hiệu quả của hợp tác quốc tế về thuế…
Những yếu tố này ở Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, song vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nguyên nhân là do, hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện. Trừ quy định về thỏa thuận trước phương pháp xác định giá tính thuế (APA) mới được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Quản lý thuế năm 2012, các quy định về kiểm soát chuyển giá chỉ mới dừng ở cấp thông tư nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Hiện chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá; chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để giúp ngành Thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá.
Riêng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Luật thuế Tài nguyên và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa quy định rõ ràng và nhất quán giá tính thuế trong một số trường hợp cũng là kẽ hở để các doanh nghiệp khai khoáng lợi dụng để thực hiện hành vi chuyển giá. Cụ thể là chưa có quy định cụ thể về giá tính thuế khi quyết toán thuế tài nguyên; giao quyền quy định giá tính thuế cho UBND tỉnh dẫn đến sự khác biệt về giá tính thuế ở hai tỉnh lân cận; quy định về giá tính thuế tài nguyên tại Thông tư 105/2010/TT-BTC mâu thuẫn với quy định của Luật Thuế tài nguyên.
Ngoài bất cập nêu trên, việc cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế cũng là một trong những lý do khiến công tác đấu tranh chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện chưa có bộ phận chuyên trách về thu thập thông tin phục vụ hoạt động thanh tra thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế. Thêm nữa, việc chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng cũng khiến công tác này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nỗ lực nhưng chưa đủ
Tình trạng chuyển giá diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Không chỉ có cơ quan thuế Việt Nam mà cơ quan thuế các nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát hoạt động chuyển giá. Hành vi chuyển giá ở Việt Nam xuất hiện cùng với sự gia tăng các doanh nghiệp FDI. Cách đây khoảng 15 năm nó đã đặt ra cho các nhà quản lý một bài toán phải giải quyết. Động thái đầu tiên đánh dấu sự vào cuộc hóa giải vấn đề chuyển giá chính là sự ra đời của Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, sau đó là Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và Thông tư 117/2005/TT-BTC.
Với sự ra đời của Thông tư 66/2010/TT-BTC, lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản pháp lý về chống chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp khác. Thêm vào đó, những hạn chế, bất cập của Thông tư 117/2005/TT-BTC đã được khắc phục. Về cơ bản, các quy định và các phương pháp xác định giá thị trường của Thông tư 66/2010/TT-BTC đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Một vấn đề không kém phần quan trọng là, Thông tư 66/2010/TT-BTC đã quy định trách nhiệm tự kê khai của doanh nghiệp về giao dịch với các bên có quan hệ liên kết thuộc phạm vi phải điều chỉnh giá bán để tính thuế theo giá thị trường.
Ở một cấp độ pháp lý cao hơn, Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định cơ quan thuế có quyền ấn định thuế khi người nộp thuế “Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”. Quy định này không hoàn toàn xử lý vấn đề chuyển giá, song cũng tạo ra căn cứ pháp lý nhất định để xử lý vấn đề chuyển giá.
Trên nền tảng pháp lý đó, trong những năm qua, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh chống chuyển giá, mà trọng tâm là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI. Ngày 27/5/2012, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 1250/QĐ-BTC về việc phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 – 2015. Đây là văn bản quan trọng để cơ quan thuế các cấp thực hiện các biện pháp chống chuyển giá một cách có hiệu quả hơn. Một trong những biện pháp quan trọng trong thực tiễn chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI là tập trung thanh tra các doanh nghiệp liên tục kê khai lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong 3 năm gần đây, ngành Thuế đặt thanh tra chuyển giá là một trọng tâm công tác, tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề về chuyển giá. Qua thanh tra bước đầu đã phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá để tiến hành đấu tranh đảm bảo xác định lại giá chuyển giao theo quy định của pháp luật. Theo báo cáo Tổng kết công tác thuế năm 2013 thì trong năm này ngành Thuế “đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.965 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; tổng số thuế truy thu, phạt và truy hoàn là 963,4 tỷ đồng; giảm lỗ là 3.902,3 tỷ đồng và giảm khấu trừ là 132,2 tỷ đồng”. Tất nhiên, không phải toàn bộ số lỗ được xác định giảm và số thuế truy thu đều là kết quả của hoạt động đấu tranh chống chuyển giá, mà một phần là kết quả của việc phát hiện các hành vi trốn thuế khác, song trong đó, đã có những kết quả bước đầu của hoạt động đấu tranh chống chuyển giá.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng như vậy, song thẳng thắn nhìn nhận, công tác đấu tranh chống chuyển giá thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Số doanh nghiệp được cơ quan thuế chứng minh có chuyển giá và không thực hiện việc kê khai theo quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc xác định giảm lỗ cũng mới có tác dụng giảm bớt thất thu ngân sách trong tương lai (do tác động chuyển lỗ) chứ chưa xác định thực sự sát giá chuyển giao để chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Giải pháp chống chuyển giá
Nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động đấu tranh chống chuyển giá, trước tiên, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá với những nội dung sau: (i) Bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, về lâu dài nên Ban hành Luật Chống chuyển giá – đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên…; (ii) Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra chống chuyển giá; (iii) Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; (iv) Hoàn thiện quy định pháp luật về thuế tài nguyên với việc quy định rõ giá tính thuế khi quyết toán thuế, sửa đổi quy định mâu thuẫn về giá tính thuế giữa thông tư hướng dẫn với Luật Thuế tài nguyên.
Ngoài giải pháp nêu trên, cần thu hẹp các ưu đãi thuế vì chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá. Hiển nhiên, vì những mục tiêu nhất định, cần phải thực hiện ưu đãi thuế, song cần cân nhắc các cách thức khác để điều tiết các vấn đề kinh tế, chỉ sử dụng ưu đãi thuế trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác, chẳng hạn như trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng… Nên hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế.
Thêm nữa, cần nghiên cứu giao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Trước mắt, có thể chỉ giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục. Về lâu dài, khi lực lượng công chức thuế đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đòi hỏi của chức năng điều tra thì có thể mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp tỉnh. Việc giao quyền điều tra không chỉ giúp cơ quan thuế có điều kiện làm tốt hoạt động chống chuyển giá mà còn tạo điều kiện làm tốt hiệu quả quản lý thuế nói chung.
Song song với đó, cần thành lập bộ phận tình báo thuế ở Tổng cục Thuế. Đây chính là cơ quan có chức năng chuyên trách thu thập thông tin phục vụ quản lý thuế ở cả trong nước và quốc tế. Tình báo thuế không chỉ cần thiết cho hoạt động chống chuyển giá, mà còn rất hữu ích cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.
Cuối cùng, cần hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế. Có hai việc quan trọng cần làm để hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế là: (i) Mở rộng nguồn thu thập thông tin bằng các hoạt động nghiệp vụ của các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế mà đặc biệt là của bộ phận tình báo thuế (nếu được thành lập); (ii) Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác như: công an, kiểm sát, địa chính, kế hoạch – đầu tư…
PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Tại chức kiêm Giảng viên chính Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính
Nguồn: MT&ĐS