Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Quá trình khai thác khoáng sản có tác động rất lớn tới môi trường tự nhiên, không ít nơi để lại hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm, thoái hoá đất. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này? Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trò chuyện với ThS. Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên xung quanh vấn đề quản trị môi trường trong khai thác khoáng sản.

PV: Muốn quản trị môi trường trong khai thác khoáng sản chúng ta phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

ThS. Nguyễn Việt Dũng: Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có tác động đến môi trường đối với hầu hết thành phần môi trường. Cụ thể như tác động lên tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, đa dạng sinh học, hệ sinh thái… Do đó, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản bị điều chỉnh bởi nhiều nguồn khác nhau không chỉ bởi quy định của Luật Khoáng sản, mà còn Luật Bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, đất đai, nước…

Câu chuyện về quản trị môi trường về khai thác khoáng sản được bắt đâu từ đâu là một vấn đề khá thách thức. Trước hết, vấn đề quản trị môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản cần phải ngăn ngừa được các tác động tiêu cực về môi trường. Bằng cách đảm bảo được các cam kết về bảo vệ môi trường, các giải pháp về môi trường.

ThS. Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên
ThS. Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Trong khai thác khoáng sản chắc chắn phải được tuân thủ từ khi cấp phép cho đến khi thực hiện dự án, khai thác xong và hoàn thổ môi trường theo đúng luật quy định. Và đảm bảo sau khi thai thác xong, chất lượng môi trường phải được bồi hoàn lại như ban đầu.

Để quản trị môi trường trong khai thác khoáng sản đạt hiệu quả cao, các bên liên quan cần có cơ hội tham gia đầy đủ, thực hiện quyền và đúng trách nhiệm của mình.

Như vậy, muốn quản trị tốt môi trường trong khai khoáng thì các bên liên quan cần ngồi lại với nhau. Tuy nhiên, cơ chế nào để cho họ ngồi lại với nhau? Và cách thức ngồi lại với nhau làm sao để đảm bảo rằng quyết định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản phải được thực hiện đúng luật và có sự đồng nhất của các bên liên quan: Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân.

PV: Thưa ông, trong Luật Khoáng sản đã quy định rất rõ ràng về bảo vệ môi trường nhưng ở những khu vực khai thác khoáng sản vẫn bị ô nhiễm nặng, ông đánh giá thế nào về điều này?

ThS. Nguyễn Việt Dũng: Có rất nhiều lý do gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản. Đầu tiên là do việc nhận thức tự giác và tuân thủ pháp luật còn yếu kém. Mặt khác, các cơ quan quản lý chưa gây được sức ép lên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Mặc dù, chính sách pháp luật của nước ta ban hành rất tốt nhưng khi triển khai xuống lại không phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Nguyên nhân do sự phân quyền, phân cấp quản lý tạo ra cho chính quyền địa phương có quyền lực rất lớn. Trong khi, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển kinh tế – xã hội mà làm ngơ việc bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nhưng nguyên nhân sâu xa là do thực thi luật pháp còn lỏng lẻo, không tạo cơ hội cho các chuyên gia, người dân trực tiếp giám sát, tạo áp lực lên doanh nghiệp. Mặt khác, chi phí để bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản rất lớn, các doanh nghiệp không đủ vốn hoặc cố tình không đầu tư để cải tạo và bảo vệ môi trường khu vực.

Ngoài ra, việc thành lập quỹ bảo vệ môi trường đã có từ nhiều năm nay nhưng hoạt động chưa đem lại hiệu quả cao. Đây cũng là lý do, môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản không được phục hồi sau khi khai thác.

PV: Vậy thưa ông, để nhà đầu tư và các các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản phải chịu ràng buộc trách nhiệm đảm bảo môi trường trong và sau khai thác, chúng ta phải làm gì?

ThS. Nguyễn Việt Dũng: Bản thân các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản bị điều chỉnh, ràng buộc bởi rất nhiều luật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có tuân thủ pháp luật hay không. Trong khi đó, cơ chế xử phạt hành chính còn chưa đủ mạnh để hạn chế ô nhiễm môi trường tại khu vực khai thác của các doanh nghiệp trong quá trình khai thác khoáng sản. Hình sự hóa tội phạm môi trường trong lĩnh vực khai khoáng hiện nay còn rất yếu.

Bởi, các dự án trong khai thác khoáng sản đều đứng tên các tổ chức, doanh nghiệp trong khi Luật Hình sự Nhà nước ta quy định chỉ hình sự hóa hành vi của từng con người, từng cá nhân. Chỉ khi nào chúng ta xem các tổ chức, doanh nghiệp đó được xem là đối tượng bị tố tụng, lúc đó mới có thể xử lý dứt điểm được các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường giám sát, gây áp lực của chính quyền địa phương, người dân đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, quản trị môi trường trong khai thác khoảng sản phụ thuộc rất nhiều vào tính tự giác và nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Hiện nay, Luật Khoáng sản sửa đổi 2010 đã có nhiều điểm tiến bộ. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chỉ mới có tiến bộ về mặt quản lý tài nguyên khoáng sản, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khai khoáng còn nhiều hạn chế.

Doanh nghiệp vi phạm khai thác khoáng sản cũng coi là đối tượng bị tố tụng. Ảnh: MH
Doanh nghiệp vi phạm khai thác khoáng sản cũng coi là đối tượng bị tố tụng. (Ảnh: MH)

Về đấu giá mỏ, phải đảm bảo rằng chỉ những doanh nghiệp nào có cam kết và có năng lực bảo vệ môi trường, năng lực về mặt tài chính, năng lực kỹ thuật thì mới được lựa chọn giao dự án khai thác khoáng sản.

Các dự án khi được cấp phép, sau các giai đoạn khai thác, phải hoàn thổ môi trường tự nhiên. Chính quyền địa phương phải gây ra sức ép đối với doanh nghiệp. Mà muốn gây sức ép được lên doanh nghiệp cần ràng buộc lại trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường khi thực hiện dự án.

Các cơ chế về quỹ, cơ chế bảo trì môi trường cần phải được làm tốt hơn. Bằng cách gia tăng các định mức thu, Nhà nước có thể huy động nguồn tài chính bảo vệ, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Quản lý quy hoạch khai thác khoáng sản cần phải được hài hòa, thống nhất và lồng ghép với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch về bảo vệ rừng, quy hoạch sử đụng dất, tài nguyên nước… Chỉ có như vậy, môi trường mới được đảm bảo để phát triển đất nước bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia