Dựa trên những nghiên cứu, phân tích của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đối với các vụ việc gây ô nhiễm môi trường thời gian qua như Vedan (2008), Hào Dương (2013) và kết hợp khảo sát, nghiên cứu thực địa trường hợp Nicotex Thanh Thái (2013) và một số trường hợp ô nhiễm khác về xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường[1], ngày 04/11/2015, PanNature đã gửi công văn tới Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội, Ủy ban Pháp luật Quốc Hội, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm góp ý cho Dự thảo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự về Tội phạm về môi trường.
Bộ luật Hình sự (BLHS) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào năm 1985. Sau 6 lần sửa đổi, bổ sung , nội dung về tội phạm về môi trường (TPMT) đã có bước tiến đáng kể từ một vài điều khoản thành một chương riêng trong BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy vậy, việc thực thi chính sách hình sự vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa về tội phạm môi trường. Theo tổng kết 15 năm thi hành BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) của Tòa án nhân dân tối cao, chỉ có 1.686 vụ với 2.985 bị cáo liên quan đến tội phạm môi trường được xét xử từ 2000 đến 2012, chủ yếu là nhóm tội liên quan đến rừng và động vật hoang dã. Con số này chỉ chiếm tương ứng 0,25% tổng số vụ án và 0,27% tổng số bị cáo được TANDTC xét xử trong cùng khoảng thời gian[2].
Trong khi đó, số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt ô nhiễm môi trường trên thực tế không ngừng tăng qua các năm. Trong năm 2013, chỉ tính riêng lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) đã phát hiện 13.386 vụ vi phạm, tăng 34% so với năm 2012[3]. Trong hàng loạt các vụ việc vi phạm gây ô nhiễm môi trường lớn và nghiêm trọng như Vedan (2009), Nicotex Thanh Thái (2013) hay Hào Dương (2013), vấn đề xử lý hình sự đều được đặt ra. Tuy nhiên, kết quả chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính vì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và đóng góp cho Dự thảo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi được trình Kỳ họp thứ 10 Quốc Hội khóa XIII, PanNature có một số góp ý về căn cứ định tội và định khung của Tội phạm gây ô nhiễm môi trường, vấn đề hình phạt và các biện pháp tư pháp áp dụng cho pháp nhân, vấn đề chứng minh hành vi phạm tội và ấn đề giám định tư pháp trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Vui lòng xem toàn văn Công văn tại đây. (File PDF: 2.52Mb)
[1] Xem thêm Tóm tắt Chính sách “Thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh cải cách tư pháp”
[2] Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu của Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Vụ Thống kê tổng hợp, Tòa án nhân dân tối cao phục vụ tổng kết Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Con số thống kê cụ thể có trong bài trình bày tại Tọa đàm Chính sách “Tìm giải pháp cho xung đột và Tội phạm môi trường trong tiến trình sửa đổi bộ luật Dân sự và Hình sự” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 29/10/2015.
[3] Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49), Hội nghị triển khai Chương trình công tác năm 2014, Hà Nội Tháng 12/2013 theo link.