Sông Mê Công là một trong những dòng sông lớn nhất và có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nguồn dinh dưỡng từ dòng sông đã giúp tạo nên một vùng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đa dạng cá tự nhiên cao thứ hai thế giới, nuôi dưỡng 60 triệu người dân trên lưu vực. Tuy nhiên, những giá trị của dòng sông đang bị đe dọa trước sức ép phát triển trong khu vực, đặc biệt là phát triển thủy điện. Ngoài 6 công trình đập dòng chính đã hoàn thành trên phía thượng nguồn của Trung Quốc, 11 con đập dự kiến xây dựng ở Hạ Lưu sông Mê Côngtại Lào và Campuchia được đánh giá sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với khu vực, đặc biệt là Đồng Bằng sông Cửu Long,vốn nằm ở cuối nguồn con sông này.
Sau khi khởi công xây dựng thủy điện Xayaburi năm 2012, chính phủ Lào mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục xây đập Don Sahongvào cuối năm 2015 và đang chuẩn bị cho dự án Pak Beng – dự án thủy điện dòng chính thứ ba trên dòng Mê Công. Quy trình ra quyết định về các đập dòng chính theo thủ tục tham vấn (Thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước – PNPCA) của Ủy hội sông Mê Công đang bị các bên nghi vấn và chỉ trích. Quyết định đơn phương của chính phủ Lào về việc xây dựng đập cho thấy “tinh thần hợp tác” theo Hiệp định Mê Công đang bị lu mờ bởi lợi ích của quốc gia.
Nhân dịp Diễn đàn Nhân dân Mê Công lần thứ nhất được tổ chức tại An Giang, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng các đối tác tổ chức Hội thảo “Thủy điện Mê Công: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” nhằm cung cấp tới các nhà báo thông tin cập nhật và các thảo luận đa chiều về vấn đề này từ góc nhìn khoa học, chính sách và các mối quan ngại của cộng đồng trong lưu vực Mê Công.
Thời gian: 15h-18h30, 10/11/2015
Địa điểm: Khách sạn Hòa Bình 2, số 8 Lê Hồng Phong, Thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang
Tài liệu Hội thảo:
Tổng quan về phát triển thủy điện trên sông Mê Công – Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Thủy điện Mê Công và tác động tiềm ẩn lên môi trường, sinh kế và an ninh lương thực Đồng Bằng sông Cửu Long – TS Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ
Đập thủy điện Mê Công: Tại sao khoa học và chính sách thất bại? – Bà Ame Trandem, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers)
Bài học phát triển thủy điện và các chiến dịch vận động của người dân Thái Lan – Bà Premrudee Daorung, đồng Giám đốc Quỹ Phục hồi sinh thái (Toward Ecological Recovery and Regional Alliance)
Công ước Liên hiệp quốc về nguồn nước: Cơ hội và triển vọng – Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Hiệp định Mê Công và Công ước về Nguồn nước của Liên Hợp Quốc – Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)