Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) là một sáng kiến quốc tế tập trung vào vai trò của rừng như một giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Khi mới ra đời, sáng kiến này hứa hẹn khả năng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội từ quản lý bảo vệ rừng bền vững, nâng cao trữ lượng cacbon rừng và cải thiện sinh kế cộng đồng.
Tuy nhiên, là một sáng kiến mới và chưa có tiền lệ, nhiều nghiên cứu và thảo luận cũng đã chỉ ra rằng, REDD+ có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do những thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất, quyền tiếp cận tài nguyên; từ đó, ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. Yêu cầu áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và xã hội cho các quốc gia đang thực hiện REDD+ đã được hướng dẫn bởi Nguyên tắc Cancun hay các tiêu chuẩn tự nguyện khác.
Tại Việt Nam, để thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP), tuy nhiên lại chưa có hướng dẫn cụ thể để nhận diện, đánh giá các lợi thế hoặc rủi ro để có thể lồng ghép vào quá trình lựa chọn địa bàn, lập kế hoạch, triển khai và giám sát thực hiện. Một công cụ giúp đo đếm được mức độ sẵn sàng của địa phương về chính sách, tổ chức, thể chế cũng như xác định được các thuận lợi hoặc rào cản về môi trường, xã hội trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ giúp các nhà quản lý và lập kế hoạch lựa chọn được các biện pháp can thiệp REDD+ phù hợp và khả thi hơn.
Với những lí do trên, trong thời gian 3 năm (2012-2015), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổ chức Tropenbos Việt Nam (TBI), cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của TS. Pamela McElwee, Đại học Rutgers (Hoa Kỳ) nghiên cứu xây dựng và phát triển Bộ chỉ số môi trường – xã hội cho thực hiện REDD+ cấp tỉnh, gọi tắt là RESI.
Về bản chất, bộ chỉ số này giúp nhận diện và đánh giá hiện trạng và điều kiện môi trường – xã hội có thể ảnh hưởng, tích cực hoặc tiêu cực, đến thực hiện REDD+ trong bối cảnh cụ thể của từng địa phương.
Nói cách khác, RESI giúp đo lường và so sánh được mức độ sẵn sàng để thực hiện REDD+ của các tỉnh, giúp cho các nhà đầu tư (chính phủ, các tổ chức phi chính phủ hay công ty tư nhân) có thể tham khảo, tìm kiếm và lựa chọn những địa bàn tối ưu để triển khai REDD+; giúp cho cơ quan quản lý lồng ghép các biện pháp can thiệp để giảm thiểu rủi ro môi trường, xã hội trong quá trình thực hiện, cũng như đánh giá được hiệu quả, tác động của các can thiệp REDD+ trong tương lai.
Tài liệu Hướng dẫn thực hiện: Xây dựng Bộ chỉ số môi trường – xã hội về REDD+ ở địa phương cũng đã được PanNature biên soạn.
Đọc Giới thiệu về Bộ chỉ số và Hướng dẫn thực hiện trực tuyến: