Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Nhằm chia sẻ những bất cập trong thực tiễn thực thi và đề xuất các kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tài nguyên, sáng nay (13/5), tại Hà Nội, Liên minh Khoáng sản (PanNature) phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thu ngân sách: Kinh nghiệm thực tiễn đến các giải pháp chính sách”

180516_khoangsan

Thu ngân sách chỉ chiếm hơn 1%

Theo đánh giá quốc tế và số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã khai thác nhiều loại khoáng sản ở quy mô lớn. Do đó, nhiều khoáng sản đang đối mặt với quy mô cạn kiệt trong tương lai gần. Tuy nhiên, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản rất hạn chế. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí đạt 0,9 – 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2013. Trong năm 2015, số thu thuế tài nguyên đạt 11.129 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,22% tổng số thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản.

Đại diện Cục Thuế tỉnh Yên Bái nêu rõ, tỉnh này thu được 100 tỷ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản năm 2015. Tuy nhiên, nguồn thu này còn thấp, chưa tương xứng với quy mô khai thác, sự xuống cấp của hạ tầng, ảnh hưởng môi trường, nguồn tài nguyên không tái tạo đang bị cạn kiệt.

Theo TS. Lê Xuân Trường – Học viện Tài chính, chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Như việc thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Ngoài ra, giá bán thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Nhìn chung, việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế hiện này còn rất yếu. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên – môi trường chưa hiệu quả. Nạn khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây thất thu ngân sách.

Ông Emanuel Bria – Viện Quản trị tài nguyên Hoa Kỳ – nhận định, các số liệu về số thu thuế tài nguyên cho thấy mức độ thất thu ngân sách từ khai thác tài nguyên ở Việt Nam khá cao. Đối với nhiều quốc gia, tỷ lệ thất thu trong khai thác tài nguyên là 5 – 25% GDP. Nếu lấy tỷ lệ thấp nhất là 5% GDP, hàng năm Việt Nam có thể mất tới 1 tỷ USD ngân sách do các kẽ hở của chính sách thuế tài nguyên và quản lý thu chưa tốt. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Việt Nam cần sớm chỉnh sửa Luật Thuế tài nguyên để khắc phục các bất cập và giải quyết các kẽ hở. “Chế độ tài chính là công cụ để quyết định việc chia sẻ nguồn lợi tài nguyên giữa nhà nước và doanh nghiệp. Để tránh thất thu, các chính sách tài chính phải đơn giản, rõ ràng và phù hợp. Cần có những giải pháp quản lý thuế tốt như tham gia hệ thống trao đổi thông tin thuế tự động giữa các quốc gia”, ông Emanuel Bria nói.

Cần minh bạch trong công nghiệp khai thác

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Ngọc Thao – Công ty Apatit Việt Nam – cho rằng, chính sách thuế tài nguyên hiện nay cũng không khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu. Cụ thể, đối với trường hợp khai thác Apatit tại Lào Cai, Công ty Apatit Việt Nam đang khai thác 3 loại quặng chính là quặng loại 1 (khoảng 32%P2O5), quặng loại 2 (22-28% P2O5), quặng loại 3 (9-18%). Trong đó, hiện nay trữ lượng quặng loại 1 và 2 không còn nhiều. Quặng loại 3 không thể sử dụng trực tiếp để sản xuất phân bón và lân mà phải qua quá trình tuyển. Hiện giá tính thuế tài nguyên đối với quặng loại 3 được ấn định là 350.000 đồng/tấn. Với mức thu này, tổng giá thành chế biến quặng loại 3 thành quặng tuyển có thể sử dụng được là 944.933 đồng/tấn. Giá bán quặng tuyển là 962.900/tấn. Như vậy công ty gần như không có lãi khi khai thác quặng nghèo. Ông Thao kiến nghị, cần ban hành biểu thuế riêng cho từng loại quặng, có tính đến việc ưu tiên cho các loại quặng nghèo khai thác ra không tiêu thụ được ngay.

Bà Trần Thanh Thủy – Điều phối viên PanNature – cho biết, Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) có thể giải quyết các lỗ hổng của chính sách thuế tài nguyên. Hiện nay đã có 49 quốc gia trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy. tham gia sáng kiến này. Nguyên tắc của EITI là doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cùng công khai các thông tin trên chuỗi giá trị công nghiệp khai thác từ cấp phép, khai thác, quản trị doanh nghiệp nhà nước, nộp ngân sách và quản lý ngân sách. Các số liệu này được đối chiếu và đưa vào báo cáo EITI. EITI tạo cơ chế so sánh và đối chiếu thông tin hiệu quả giữa các doanh nghiệp và qua đó hỗ trợ quản lý thu. Cụ thể, thông qua báo cáo EITI, Zambia đã phát hiện ra nguồn thu chính phủ từ khai khoáng chỉ chiếm 0,77% tổng giá trị sản xuất. Trong đó, 50% số thu này là do 1 doanh nghiệp đóng góp dù Zambia có rất nhiều công ty khoáng sản khai thác ở quy mô lớn. Tương tự, nhờ số liệu từ EITI, Nigieria đã phát hiện lỗ hổng trong hệ thống thuế và truy thu được 560 triệu USD từ khai thác dầu khí. Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006, tuy nhiên, sau 10 năm xem xét, Việt Nam chưa tuyên bố tham gia sáng kiến này.  

Theo bà Thủy, việc tham gia EITI sẽ góp phần giảm hành vi trốn và tránh thuế trong lĩnh vực khoáng sản. Việc tham gia EITI sẽ giúp giảm rủi ro pháp lý cho Chính phủ đặc biệt trong công đoạn cấp phép, tạo môi trường đầu tư tốt hơn, qua đây có thể lựa chọn được những dự án có hiệu quả, giúp hỗ trợ quản trị tốt hơn tài nguyên khoáng sản bởi sự minh bạch trong cấp phép, sản xuất và thu ngân sách. Việt Nam nên nhanh chóng áp dụng các sáng kiến quốc tế về quản lý thuế. 

Nguồn: Công Thương

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia