Ông Senglong Youk
Mê Kông là con sông lớn nhất Đông Nam Á và một trong 12 con sông lớn nhất thế giới chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Con sông mang lại 160 tỷ tấn phù sa/năm, đứng thứ 6/10 con sông lớn của thế giới về tải lượng phù sa, sở hữu mức độ đa dạng sinh học và nguồn đa dạng loài cá tự nhiên cao thứ hai thế giới, với khối lượng 2,6 tỷ tấn/năm. Thế nhưng, ngoài hàng trăm đập dòng nhánh, dòng sông đang bị đe dọa bởi các đập thủy điện trên dòng chính.
Hiện nay 6 đập thủy điện dòng chính phía thượng nguồn ở Trung Quốc đã đi vào vận hành. Ở hạ nguồn, đập dòng chính Xayaburi đã hoàn thành hơn 50%; đập Don Sahong đã được khởi công trong số 12 dự án thủy điện dự kiến.
Nếu chuỗi 12 đập hạ nguồn được xây dựng:
– Lượng phù sa về ĐBSCL hiện nay khoảng 26 triệu tấn/năm sẽ giảm còn 7 triệu tấn/năm
– Lượng chất dinh dưỡng giảm từ 4.157 tấn/ năm xuống còn 1.039 tấn/năm
– Tổn thất riêng cá trắng ở ĐBSCL vào khoảng 240.000 đến 480.000 tấn/năm, ước tính thiệt khoảng 500.000 đến 1 tỉ USD/năm
(Theo ICEM, 2010 và Nhóm công tác Mê Kông, 2011)
Chuyên mục “Góc nhìn Chuyên gia” (Kỳ 3) do PanNature thực hiện sẽ cùng gặp gỡ Ông Senglong Youk, Phó Giám đốc Tổ chức Hành động Nghề cá (Fisheries Action Coalition Team – FACT, Campuchia) để trao đổi về những thách thức mà Hạ nguồn Sông Mê Kông sẽ gánh chịu đối với nguồn cá, sinh kế và đa dạng sinh học.