Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều loại hình thiên tai đặc thù, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con, đặc biệt là các mô hình trồng lúa, trồng ngô ở vùng cao.
Nhằm giúp bà con tiếp cận với các phương thức canh tác mới, thân thiện với môi trường và thích ứng được với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu, Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (CEMI) quyết định lựa chọn ba tỉnh Tây Bắc gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu để giới thiệu, thực hành thí điểm một số mô hình canh tác lúa, ngô thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI).
SRI là phương thức canh tác lúa sinh thái vừa giúp tăng năng suất lúa, vừa giúp tiết giảm nhiều chi phí đầu vào như giống, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Đặc biệt, phương thức canh tác cải tiến này còn giúp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ hiện tượng cực đoan này. Chi tiết xem trong inforgraphic dưới đây:
Dự án “Biến đổi khí hậu và đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam” do Hiệp hội các tổ chức xã hội dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) được triển khai từ năm 2014 với sự hợp tác giữa Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Hội nông dân tỉnh Sơn La, Hội nông dân tỉnh Lai Châu và Quỹ phát triển phụ nữ huyện Điện Biên.