Trong một thế giới đa cực với nhiều khác biệt, “biến đổi khí hậu” là một trong số ít các chủ đề mà các quốc gia trên hành tinh này chia sẻ mối quan tâm chung. Mối quan tâm chung ấy đã được cụ thể hóa bằng một thỏa thuận lịch sử tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2015 (COP 21). Theo đó, các quốc gia đồng lòng với một lộ trình và các cam kết để cứu Trái đất khỏi viễn cảnh suy vong do nóng lên toàn cầu.
Nhận thức được mức độ dễ tổn thương của mình, Việt Nam đã có những bước đi sớm trong xây dựng lộ trình chính sách, chương trình hành động đi kèm các giải pháp cụ thể ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Với những tác động hiện hữu của hiện tượng biến đổi khí hậu trong những năm qua, vấn đề này cũng đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động và những thay đổi thực chất để có thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát thải thấp, tăng trưởng xanh… còn là một chặng đường rất dài. Chúng ta vẫn đang phải chứng kiến những đánh đổi, hy sinh lợi ích môi trường, thậm chí những xu hướng phát triển mâu thuẫn với những cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Ở một góc độ khác, những giải pháp và hành động cụ thể ở cấp cơ sở, cộng đồng vẫn còn khá ít ỏi. Người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương đa số vẫn sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh với thói quen, nề nếp cũ (business-as-usual). Tư duy toàn cầu chưa được biến thành những hành động cụ thể ở địa phương.
Với chủ đề biến đổi khí hậu (BĐKH), Bản tin kỳ này bao gồm các bài viết tập trung làm rõ bản chất và hiệu quả thực thi chính sách ứng phó, giảm nhẹ BĐKH cũng như thực tiễn áp dụng các chương trình, sáng kiến liên quan tại địa phương. Ngoài ra, ấn phẩm cũng lưu tâm tới vấn đề lồng ghép BĐKH trong chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở cấp cơ sở, đặc biệt là chính sách phát triển ngành nông nghiệp – lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH.
Các bài viết nổi bật trong Bản tin kỳ này:
- Khoảng cách giữa kỳ vọng & thực tế trong ứng phó BĐKH
- Thực tiễn áp dụng và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh
- Thách thức và hướng đi đối với nguồn tài trợ cho BĐKH
- BĐKH và đa dạng sinh học đất ngập nước ĐBSCL: sự thiếu hụt trong thích ứng
- Ứng phó BĐKH cấp tỉnh: Thách thức & Khuyến nghị
- Nông nghiệp miền núi Tây Bắc cần hướng đến các mô hình thân thiện khí hậu
- Xây dựng khung chỉ số nông nghiệp ứng phó BĐKH cấp xã tại ba tỉnh Tây Bắc
Download Bản tin TẠI ĐÂY (pdf, 7.45M) và Tham khảo các Bản tin Chính sách khác TẠI ĐÂY
Đọc Bản tin trực tuyến: