Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Mỹ vừa công bố báo cáo “Lời kêu gọi cho một quy hoạch năng lượng chiến lược toàn lưu vực tại Lào”. Ấn phẩm tiếp tục thách thức một quan điểm đã trở nên phổ biến rằng cuộc đua xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ còn tiếp diễn cho tới khi toàn bộ dòng sông biến thành các loạt hồ chứa.

Ảnh minh họa: Thuyền trên sông Mê Kông
Ảnh minh họa: Thuyền trên sông Mê Kông

Chắc chắn là việc xây dựng dù chỉ vài con đập lớn cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực tại vựa cá nước ngọt lớn nhất thế giới, đồng thời làm suy giảm đáng kể lượng phù sa cần thiết giúp duy trì canh tác nông nghiệp, đặc biệt là tại Campuchia và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua nhiều năm nghiên cứu, kết hợp với các chuyến thực địa đến khu vực và gặp mặt các nhà hoạch định chính sách, các tác giả báo cáo khẳng định rằng không phải tất cả các con đập được lên kế hoạch đều sẽ được xây dựng theo các bằng chứng thu thập được. Nguyên nhân chính trị và tài chính được các tác giả báo cáo đưa ra để lý giải điều này, bên cạnh nghi vấn về dự báo cung cầu năng lượng chưa chính xác trong khu vực Mê Kông.

Chính vì vậy, báo cáo cho rằng cũng chưa phải quá muộn để áp dụng một phương thức tiếp cận mới nhằm tối ưu hóa sự cân bằng trong mối liên hệ không thể tách rời: Năng lượng – Nguồn thu xuất khẩu – An ninh lương thực – Tài nguyên nước ngọt – Hệ sinh thái sông vì lợi ích của các thế hệ tương lai.

Dựa trên các khảo sát, đánh giá, báo cáo nhận định rằng Lào và Campuchia còn xa mới đạt được kế hoạch xây dựng hơn 100 đập thủy điện trên các dòng chính và dòng nhánh sông Mê Kông khi rủi ro ngày càng gia tăng và làn sóng phản đối trong khu vực cũng đang trở nên mạnh mẽ hơn. Thực tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Lào khi đất nước này đã đặt mục tiêu trở thành “cục pin của Đông Nam Á” nhờ xuất khẩu năng lượng ra thị trường khu vực như một ưu tiên phát triển kinh tế hàng đầu.  

Đặc biệt, việc thừa nhận những khó khăn trong việc thực hiện tham vọng xây đập trên sông Mê Kông có thể buộc Lào xem xét lại các lựa chọn chính sách phát triển của mình. Ít đập hơn cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách sẽ không đạt được mục tiêu. Hiện nay Chính phủ nước này đã bắt đầu đàm phán với Hoa Kỳ và một số nhà tài trợ giúp tối đa hóa nguồn lợi thủy điện. Điều này cũng không có gì lạ bởi các nhà ra quyết định của Lào phụ thuộc chủ yếu vào các nhà phát triển nước ngoài để xây dựng danh mục đầu tư thủy điện dưới dạng hợp đồng thương mại xây dựng-sở hữu-vận hành-chuyển giao (BOOT) và xuất khẩu năng lượng sang các nước láng giềng.

Bên cạnh đó, hiện nay khó có thể xác định chính xác liệu mục tiêu năng lượng của Lào và toàn khu vực có thể đạt tới hay không vì chính các nhà hoạch định cũng khó khăn khi nhìn nhận về các dự án trong tương lai. Hơn thế nữa, mức độ rủi ro trong đầu tư, đặc biệt đối với môi trường và xã hội, vốn sẽ cản trở việc xây dựng đập, hiện cũng chưa rõ ràng bởi chính quyền đầu tư quá ít vào các dự án và dành quá ít nguồn lực từ BOOT cho việc giảm thiểu rủi ro từ dự án.

Tới năm 2020, các con đập đã vận hành và đang trong giai đoạn xây dựng dự kiến tại Lào sẽ đóng góp khoảng 30% tiềm năng năng lượng của toàn lưu vực Mê Kông. Cho đến thời điểm đó, việc hoàn thành hơn 70 con đập đã lên kế hoạch hoặc đang được Bộ Năng lượng và Khoáng sản Lào nghiên cứu là điều không chắc chắn. Các quan chức Lào đã bắt đầu nhận ra rằng không nhất thiết phải đạt được tất cả các mục tiêu phát triển.

Điều này có nghĩa là vẫn còn thời gian để chuyển đổi sang một kế hoạch chiến lược có quy mô lưu vực mà vẫn có thể đạt được mục tiêu doanh thu dự kiến, trong khi giảm thiểu tối đa tác động môi trường thông qua thay thế một số con đập bằng các phương thức sản xuất năng lượng khác không phải thủy điện.

Một giải pháp tiềm năng giúp cải thiện kế hoạch năng lượng chiến lược là đầu tư xây dựng một lưới điện quốc gia tại Lào, giúp đảm bảo nguồn xuất khẩu đáng tin cậy ra thị trường khu vực cũng như đáp ứng nhu cầu trong nước, hỗ trợ quản lý nguồn cung dư thừa. Hiện tại, Lào hoàn toàn không có lưới điện quốc gia, do đó thiếu đi khả năng đàm phán được giá điện xuất khẩu cao trong khu vực. Hiện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua gói hỗ trợ cho mạng lưới  điện “xương sống” với chi phí khoảng 400 triệu USD – tương đương 1/5 chi phí của con đập Pak Beng đang chuẩn bị được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông.

Mặc dù chính phủ Lào hiện còn hạn chế năng lực cũng như nguồn lực để có thể thực hiện kế hoạch năng lượng chiến lược cấp lưu vực, đồng thời hầu hết các nguồn hỗ trợ phát triển truyền thống đang dần chuyển từ Lào sang Myanmar và các quốc gia khác trong khu vực, mối quan hệ Mỹ-Lào đang dần mở cửa cho những thảo luận về các giải pháp tối ưu hóa hệ thống năng lượng và cải thiện sự tham gia của các bên liên quan.

Theo báo cáo, các hỗ trợ từ Mỹ mặc dù đảm bảo chất lượng cao nhưng không thường xuyên nên còn hạn chế đầu ra. Để có thể thúc đẩy cho một chiến lược năng lượng toàn lưu vực, Mỹ cần đầu tư thêm nguồn lực và thúc đẩy tài trợ cho mạng lưới điện quốc gia, giúp mang lại các nguồn hỗ trợ từ phương tây và các quốc gia khác trong khu vực. Chính phủ Lào cũng cần xác định rõ nhu cầu thực sự để có thể thu hút được các nguồn hỗ trợ phù hợp cho việc lập kế hoạch năng lượng. Đầu tư vào mạng lưới điện quốc gia mới là bước đi đúng hướng, báo cáo khẳng định.

Đây là báo cáo thứ ba trong loạt báo cáo “Thư gửi từ Mê Kông” (Letters from the Mekong), bắt đầu xuất bản từ năm 2014.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia