Các sự cố ô nhiễm môi trường rất đa dạng, từ cháy nổ, rò rỉ hóa chất, thảm họa chìm tàu, tai nạn khi chuyên chở hóa chất, rò rỉ chất thải hay việc vận hành hệ thống xử lý chất thải không đạt yêu cầu. Dù có thể được tạo ra một cách vô tình hoặc cố ý, những sự cố này đều có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tùy theo mức độ ảnh hưởng, các sự cố môi trường có thể được phân loại thành 4 nhóm chính, gồm i) Nhóm 1: Những sự cố gây tác động lớn, bền vững, ở phạm vi rộng hoặc nghiêm trọng đối với không khí, đất, nước, con người, tài sản, sinh thái, môi trường sống; (ii) Nhóm 2: Những sự cố gây tác động đáng kể đến môi trường, con người và tài sản; (iii) Nhóm 3: Những sự cố gây những tác động nhỏ đến môi trường; (iv) Nhóm 4: Những sự cố gây tác động không đáng kể[1].
Theo báo cáo của Anh, hàng năm, quốc gia này có khoảng 22.000 sự cố ô nhiễm môi trường với chi phí xử lý lên đến 5 triệu bảng. Năm 2012, số lượng các sự cố được đánh giá là nghiêm trọng và đáng kể tương ứng 61 và 556 vụ. Trong đó, 22% số lượng các sự cố không xác định được nguyên nhân, 28% từ lĩnh vực xử lý chất thải, 16% từ lĩnh vực nông nghiệp, 11% từ lĩnh vực giao thông, 8% từ công nghiệp và còn lại là những lĩnh vực khác. Những sự cố này gây tác động ở mức độ khác nhau. Năm 2009, nước thải chứa chất cyanide từ nhà máy xử lý nước thải đã bị rò rỉ ra sông. Sự cố này đã làm gần như toàn bộ tôm cá trên đoạn sông dài 21 km thuộc sông Trent (Anh) bị chết. Chi phí ứng phó sự cố này lên đến 300,000 bảng Anh[2].
Kinh nghiệm ở các nước cho thấy các sự cố môi trường hoàn toàn có thể phòng tránh và giảm thiểu. Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, chủ cơ sở có trách nhiệm thực hiện đánh giá để phân tích các rủi ro, xác định khu vực có thể bị ảnh hưởng và từ đó xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro. Từ kết quả đánh giá rủi ro, chủ cơ sở có thể tiến hành thay đổi nguyên vật liệu hoặc thậm chí điều chỉnh công nghệ nếu có thể để giảm thiểu rủi ro. Một số giải pháp công nghệ có thể áp dụng như xây dựng các hồ điều hòa để chứa nước thải sau xử lý trước khi thải ra môi trường và cũng để phòng rủi ro trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải không được vận hành đúng yêu cầu. Bên cạnh đó, chủ cơ sở có trách nhiệm mua sắm các trang bị cần thiết và tổ chức đào tạo cho nhân viên. Ngoài ra, đối những loại hình dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, chủ dự án cần thông báo cho cộng đồng dân cư trong phạm vi bị ảnh hưởng để họ có thể chủ động hơn trong trường hợp sự cố có thể xảy ra trên thực to.
Trong trường hợp sự cố xảy ra, chủ cơ sở cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp khẩn cấp như dập lửa (trong trường hợp cháy nổ), bịt rò rỉ (trong trường hợp bị rò rỉ chất thải), lưu trữ nước thải vào hồ trung gian (trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu). Trong trường hợp sự cố có thể gây ra tác động phạm vi ngoài hàng rào dự án, chủ cơ sở phải nhanh chóng tiến hành thông báo cho cơ quan chức năng để cùng xây dựng kế hoạch phối hợp ứng phó. Ở các quốc gia, việc xây dựng hệ thống báo cáo về sự cố môi trường rất được chú trọng. Thông thường, sẽ có cơ quan chịu trách nhiệm túc trực nhận thông báo và phối hợp xử lý các sự cố ô nhiễm.
Sau khi nhận được thông báo, cơ quan thẩm quyền cần nhanh chóng xuống hiện trường và phối hợp với chủ cở sở đánh giá nhanh tình hình và xây dựng biện pháp xử lý. Trong trường hợp sự cố có thể gây tác động ở phạm vi lớn, cần tiến hành sơ tán dân cư nếu cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng đánh giá, phân tích mẫu. Trong trường hợp chất lượng không khí, nước, thủy sản không đạt yêu cầu, cơ quan chức năng cần nhanh chóng cảnh báo cho người dân và cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Việc này cần phải được tiến hành một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đánh giá thiệt hại và xây dựng các phương án bồi thường nếu cần thiết. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoach phục hồi môi trường cũng như cải thiện quy trình quản lý rủi ro.
Một cơ quan cứu hộ của Anh đã nhận được thông báo sau khi có một sự cố va chạm giao thông liên quan đến một chiếc tàu đang chở 34.000 lít dầu trên đường M62. Chiếc tàu đã va chạm với dải phân cách và bị lật ngược làm dầu bị tràn ra ngoài đương tàu và đường bộ ở cả hai hướng. Cơ quan cứu hộ đã huy động một nhóm đến hiện trường và sử dụng thiết bị chặn để ngăn việc rò rỉ dầu từ tàu chuyên chở và chuyển phần dầu còn lại sang một thùng hàng khác. Khoảng 24.000 lít dầu đã bị tràn ra ngoài và có nguy cơ tràn vào hệ thống cống và nguồn nước tiếp nhận. Nhóm cứu hộ đã thu hồi phần lớn lượng dầu này bằng những dụng cụ chuyên dụng và nhờ đó đã giảm thiểu được tác động đối với nguồn nước ở khu vực[3]. |
Việt Nam đã xây dựng hệ thống ứng phó lũ lụt và sự cố cháy nổ. Hệ thống ứng phó này nhìn chung hoạt động tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, việc ứng phó các sự cố ô nhiễm môi trường thì chưa được quan tâm đúng mức. Điều này tạo ra nhiều rủi ro cho trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tiếp nhận nhiều dự án sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các dự án công nghiệp nặng [4]. Nhiều sự cố môi trường đã xảy ra trên thực tế như: sự cố khí thải ở Nhiệt điện Vĩnh Tân[5]; sự cố nước thải ở Nhà máy Mía đường Hòa Bình làm chết cá trên sông Bưởi tại Thanh Hóa vào tháng 5/2016[6]; sự cố cá chết hàng loạt dọc ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý là các sự cố môi trường nghiêm trọng có xu hướng ngày càng tăng, song công tác ứng phó lại khá lúng túng và không hiệu quả. Việc thống kê và đánh giá hậu quả các sự cố môi trường gần như vẫn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, việc quản lý nguồn thải hiện nay rất lỏng lẻo dẫn đến việc không thể xác định được nguyên nhân hoặc mất rất nhiều thời gian để xác định nguyên nhân sự cố như trường hợp cá chết tại Hồ Tây vào tháng 10/2016[7].
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường chưa hiệu quả là do khung pháp lý còn nhiều tồn tại như chồng chéo một số khái niệm và định nghĩa tại các văn bản pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xây dựng các quy định cụ thể về ứng cứu sự cố môi trường. Hiện các văn bản quy phạm pháp luật hầu như chỉ mang tính hướng dẫn chung, ứng phó trước mắt và thiếu tính tổng quát. Trách nhiệm cụ thể của các ban ngành và cơ chế phối hợp cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng[8].
Để có thể hạn chế sự cố môi trường, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng cách tiếp quản lý rủi ro đối với các dự án phát triển, đặc biệt với những loại hình dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần thực hiện đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch quản lý cụ thể. Song song với đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý đối với các nguồn thải và tăng cường minh bạch các thông tin liên quan.
Trần Thanh Thủy – Nghiên cứu viên độc lập
[1]http://www.ciehcymruwales.org/uploadedFiles/Core/The_region/Regional_activity/Presentation_archive/Environmental_Health_in_Emergencies_Seminar/Jones_EA_responds_incidents_emergencies.pdf
[2] http://www.fwr.org/WQreg/Appendices/Pollution_Incidents_Report_2013_LIT_8547_b70a6b.pdf
[3] http://www.24-7response.org/case-studies.php#case%20study%20two
[4]http://pops.org.vn/Portals/0/4.khung%20phap%20ly%20ve%20phog%20ngua,%20ug%20pho,%20khac%20phuc%20su%20co%20mtruog.pdf
[5] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150715/nhiet-dien-vinh-tan-2-xa-khoi-den-vi-su-co/777912.html
[6] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chat-thai-nha-may-duong-lam-chet-ca-tren-song-buoi-3398947.html
[7] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ha-noi-da-gom-200-tan-ca-chet-o-ho-tay-3478697.html
[8] http://pops.org.vn/Portals/0/1-%20QD%20phap%20ly%20hien%20hanh%20ve%20pn,up,kpsc.pdf