Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Thoắt đã già một thập niên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature cũng đã có một lễ sinh nhật mười tuổi rôm rả với đông đủ bạn bè đồng nghiệp và đối tác đến mừng với rượu, hoa và những lời chúc tụng vươn cao, vươn xa và thành công hơn nữa. Thử nhìn lại trước mười năm đã qua ấy, cái thời mà tên PanNature còn chưa được viết lên “giấy khai sinh” cũng như được chưa được mấy ai biết đến, ngoại trừ những bạn bè, đồng nghiệp thân thiết của những người đầu tiên tham gia tổ chức. Vậy mà khi ấy, đã có những người thầy nhận đỡ đầu và tiếp sức cho PanNature. Giáo sư Võ Quý là một trong những người thầy đáng kính ấy.

GS Võ Quý chụp ảnh chung cùng các chuyên gia bảo tồn trẻ và cán bộ PanNature trong buổi ra mắt cuốn sách “Các loài thú ở Việt Nam”, năm 2008. (Ảnh: PanNature)

Giáo sư Võ Quý có tên trong Ban Cố vấn của Trung tâm từ những ngày đầu thành lập. Ấy là để khoe với người ngoài, còn với anh em cơ quan, thầy gần gũi như trong nhà đã từ lâu. Thầy vừa là cố vấn, chuyên gia, vừa là người truyền lửa. 

Đến hẹn lại lên, hàng năm, anh em cơ quan đến thăm thầy vào ngày nhà giáo hay dịp Tết. Lần nào cũng vậy, khi đến thì rụt rè chào bác (thầy vẫn xưng bác với anh em chúng tôi, và chúng tôi thì cũng vui vẻ với cách xưng hô vầy vì thấy gần gũi), khi về thì rôm rả vì chưa dứt chuyện, từ chuyện bảo tồn gà lôi lam Hà Tĩnh, bảo tồn sao la hay năm nay CRES có dự án mới ở miền Trung để hỗ trợ bà con cải thiện sinh kế và cải tạo đất còn nhiễm độc đioxin. Có năm đến không gặp thầy vì thầy bận dự lễ, họp ở trường thì chúng tôi được gặp cô, cô trò lại say sưa tiếp tục câu chuyện xoay quanh những chuyến đi của thầy và những việc thầy còn đang miệt mài cố gắng. Cũng có khi anh em chủ động đến gặp thầy để xin ý kiến hay được phỏng vấn thầy, cũng vì thế được hiểu hơn về cuộc đời và những góc nhìn, những kinh nghiệm bôn ba của thầy trong cả một đời cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh những câu chuyện của những người làm bảo tồn tuôn chảy khi trầm lắng tâm tư khi hào hứng vui vẻ nhưng không bao giờ cạn, chúng tôi cảm nhận được sự thôi thúc và có thêm niềm tin vào những nỗ lực của mình sau mỗi lần thầy trò hàn huyên tâm sự. 

Cách nay gần 4 năm, cũng vào những ngày cận Tết Nguyên đán đầy bận rộn này, PanNature tổ chức buổi họp mặt cuối năm của cơ quan. Năm ấy may mắn đón được thầy đến dự. Nghe xong anh em trong Trung tâm hồ hởi báo cáo kết quả và thành tích, thầy mới ôn tồn chia sẻ “Tôi vui mừng vì PanNature làm được nhiều việc và bất ngờ vì Trung tâm làm việc hơi quá sức của mình. PanNature làm được khá nhiều việc, đi hết cả các vấn đề liên quan đến tài nguyên môi trường: khoáng sản, tài nguyên, đa dạng sinh học. Nhiều cũng tốt, rộng cũng tốt nhưng nên chọn lấy một vài vấn đề mà PanNature có khả năng nhất, mới nhất mà các cơ quan khác ít làm để lấy làm trọng tâm. Hướng đến đi sâu để phát triển bền vững và dễ tìm nguồn hỗ trợ hơn. Tránh chung chung, không có thương hiệu, giữ uy tín để đi dài. Với lợi thế đội ngũ trẻ, PanNature cần chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.” Những lời khuyên của thầy đến nay vẫn còn thấm thía, cho dù chúng tôi đã đi thêm được những chặng đường mới. Tổ chức được mở rộng, các chương trình, dự án và và những đề tài cũng ngày càng đa dạng hơn, nhưng vấn đề “nhân lực” và “giữ uy tín để đi dài” sẽ vẫn là những trăn trở của Trung tâm.  

GS Võ Quý trong cuộc họp thường niên của PanNature năm 2012. (Ảnh: PanNature)

Sáng ngày 10/1/2017, nhận tin thầy ra đi, cả Trung tâm xôn xao gửi email hỏi nhau và truyền tin đến bạn bè đồng nghiệp. Cũng có phần bất ngờ, dẫu biết rằng lá rụng về cội là việc sẽ đến. Thầy nằm viện đã lâu, nhịp thở của thầy lâu nay được bơm vào từ máy chứ không còn là nhịp thở tự nhiên của ông già hóm hỉnh mọi khi. Có anh chị em may mắn đến thăm thầy đôi tuần trước về bảo “ông cụ mệt nhiều rồi, cũng khó”. Thầy thiếp đi trong căn phòng chỉ có tiếng tít tít của những cỗ máy trợ tim, trợ phổi. Thầy đã đặt chân lên chuyến tàu về nơi vĩnh hằng ở cái tuổi gần 90 đầy ao ước của nhiều người. Thầy tạm xa công việc và những người trò yêu mến của mình để tiếp tục hành trình ở một chân trời nào đó. Thầy chỉ tạm đi xa thôi. Cuốn sách chim thầy cùng học trò của mình viết còn chưa kịp ra mắt, những dự định vẫn còn ở phía trước. Với chúng tôi, ý tưởng và nhiệt huyết của thầy vẫn còn đó để thôi thúc chúng tôi tiếp tục phấn đấu như thầy mong đợi “PanNature sẽ phải làm tốt hơn nữa, không chỉ cho thiên nhiên mà còn cho người dân và đất nước.”

Uyên bác, nhiệt huyết và rất đỗi bình dị là những đức tính mà mọi người thường dành tặng để nói về ông – Giáo sư Võ Quý – một con người tận tụy và gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bàn chân ông đã kinh qua hầu hết mọi nẻo đường của đất nước, mọi vùng miền rừng núi xa xôi để tìm hiểu về thế giới tự nhiên, về cuộc sống của muôn loài, đặc biệt là những loài chim và các loài động vật quý hiếm. Ông có thể ngồi lặng hàng giờ chỉ để ghi lại tiếng chim nhằm tìm hiểu thói quen và tập tục của từng loài. Nhưng vượt lên trên danh hiệu của một nhà điểu học, ông còn có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường của Việt Nam với hơn 100 công trình khoa học công bố trong và ngoài nước. Đặc biệt, ông còn là thành viên của nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế và là người đỡ đầu cho hàng chục tổ chức, trung tâm, viện nghiên cứu về môi trường, sinh thái học, chất độc da cam…

Khó có thể kể hết những phần thưởng cao quý mà các tổ chức trong và ngoài nước dành tặng cho ông, trong đó có một giải thưởng vô cùng đặc biệt – Giải thưởng Hành tinh xanh. Đây là giải thưởng quốc tế tương đương giải Nobel về môi trường do Quỹ Ashahi Glass, Nhật Bản trao tặng và ông là người châu Á thứ hai vinh dự được nhận giải thưởng này. Đặc biệt, ông còn được Tạp chí Time bình chọn là một trong 35 “Anh hùng môi trường thế giới” vào năm 2008. Tuy nhiên, điều đáng trân quý hơn cả là hầu như toàn bộ số phần thưởng mà ông nhận được đều được sử dụng vào việc làm thiện nguyện nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn tại một số vườn quốc gia, khu bảo tồn; hỗ trợ các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, các nạn nhân mắc di chứng chất độc da cam… và đặc biệt ông dành tặng phần nhiều cho công tác nghiên cứu, bồi dưỡng các cán bộ ngành môi trường tại Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường – nơi ông đặt nền móng và dành trọn tâm huyết về giáo dục bảo tồn.

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia