Từ năm 2010 trở lại đây, khung chính sách và pháp luật về quản trị tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện. Trong tiến trình đó, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra khuyến nghị về việc cần phải minh bạch hóa ngành công nghiệp khoáng sản như là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị. Mặc dù nguyên tắc công khai, minh bạch chưa chính thức được ghi nhận rộng rãi trong các văn bản pháp luật của ngành khoáng sản, song nhiều quy định hướng tới minh bạch đã được đưa vào luật. Các quy định này được kỳ vọng là sẽ góp phần cung cấp thông tin cho công chúng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng các nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.
Các bộ tiêu chuẩn về công khai, minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản đã được xây dựng và áp dụng tại nhiều quốc gia trên thếgiới, điển hình trong số đó là Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng – EITI. Mặc dù đã qua một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu nhưng cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa thể hiện quyết tâm gia nhập và áp dụng bộ tiêu chuẩn EITI. Có thể nhận thấy, Việt Nam đang cố gắng tự mình xây dựng phương pháp riêng để quản lý ngành khoáng sản hơn là sử dụng một bộ tiêu chuẩn có sẵn của quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc tập trung nguồn lực để nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trong lĩnh vực khoáng sản là rất cần thiết.
Theo đánh giá của một số nghiên cứu trước đó, các quy định pháp lý của Việt Nam không hề thua kém nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực . Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định trên giấy và thực tiễn thi hành luôn là vấn đề lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam. Mặc dù Luật khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch, song thực tế triển khai còn chưa được như kỳ vọng của nhà làm luật. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 20132 , mức độ thực thi nhiều quy định của pháp luật về khoáng sản còn thấp. Ví dụ, quy định về cấp phép hoạt động khoáng sản có mức độ sai phạm khá cao: 1086 sai phạm trên 957 giấy phép (tức là trung bình mỗi giấy phép có 1,13 sai phạm).
Sau 6 năm thi hành Luật khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương đánh giá kết quả thực hiện các văn bản trên. Thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đang có kế hoạch sẽ sửa đổi nhiều quy định về tài chính trong lĩnh vực khoáng sản nhằm đáp ứng tốt hơn với điều kiện mới. Việc sửa đổi các chính sách này đòi hỏi rất nhiều các thông tin đầu vào và các nhận định, đánh giá khách quan. Những thực trạng đó đặt ra nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về khoảng cách giữa thực tiễn thi hành và quy định của pháp luật về minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản.
Trong khuôn khổ dự án “Vận động cải thiện chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch ngành công nghiệp khai thác khoáng sản” của Liên minh Khoáng sản, các chuyên gia của Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện Báo cáo nghiên cứu Mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin và đưa ra những khuyến nghị hữu ích để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc và có những quyết định thúc đẩy thực thi công khai minh bạch trong ngành khoáng sản tại Việt Nam.
Liên minh Khoáng sản bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, báo chí – truyền thông, chính quyền và người dân ở các địa phương trong đó Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức điều phối. |
Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam tại Việt Nam thông qua Chương trình Hỗ trợ Liên Minh. Các vấn đề trình bày trong báo cáo là quan điểm của tác giả và không thể hiện quan điểm của nhà tài trợ.
Bản quyền thuộc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên Minh Khoáng sản. Nội dung báo cáo có thể được sử dụng cho các mục đích phi thương mại, không cần xin phép nhưng cần trích dẫn nguồn.
Các vấn đề liên quan tới ấn phẩm vui lòng liên hệ:
Tổ chức điều phối Liên minh Khoáng sản – Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Địa chỉ: Số 24 H2, Khu đô thị mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3556 4001 | Fax: (04) 3556 8941
Emai: lmks@nature.org.vn
Website: http://www.eiti.vn
Quý vị quan tâm vui lòng tải bản PDF (62,9 MB) hoặc đọc trực tuyến tại đây: