Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Hội thảo “Quản trị rừng tự nhiên trong Luật Bảo vệ Phát triển rừng sửa đổi” được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức vào sáng 26/5 nhằm mục đích (1) rà soát và đánh giá dự thảo Luật BV&PTR sửa đổi (dự thảo số 5) dựa trên các nguyên tắc quản trị rừng nhằm đảm bảo khung pháp lý lâm nghiệp này sẽ thúc đẩy năng lực kiểm soát, giảm thiểu quá trình chuyển đổi rừng tự nhiên; tăng cường bảo vệ, phục hồi và mở rộng vốn rừng hiện có của Việt Nam trong tương lai; và (2) tổng hợp các đề xuất, góp ý gửi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và Ban soạn thảo nhằm điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo Luật BVPTR sửa đổi, đặc biệt đối với các quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng tự nhiên.

Tiến trình sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) 2004 đã thu hút sự quan tâm, tham gia và đóng góp của nhiều tổ chức phi chính phủ, cộng đồng chuyên gia thông qua các hoạt động tham vấn, hội thảo và đối thoại với nhiều bên liên quan. Dự thảo Luật BV&PTR sửa đổi (Dự thảo số 5) sẽ được trình bày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (từ ngày 22/5 đến 20/6/2017) để các đại biểu quốc hội góp ý, trước khi được thông qua tại kỳ họp tiếp theo vào cuối năm 2017. 

Nội dung của dự thảo Luật BV&PTR sửa đổi đã có nhiều đổi mới về cấu trúc và nội dung, nhằm mục đích “Thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế;…; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh”.  Việc sửa đổi luật này được kỳ vọng sẽ là động lực để nhà nước, doanh nghiệp và xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước về lâm nghiệp, chẳng hạn như kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó bao gồm “Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng rừng tự nhiên,…”.    

Là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của ngành lâm nghiệp, liệu dự thảo Luật BV&PTR sửa đổi hiện nay đã được thiết kế để đảm bảo giải quyết được các vấn đề tồn tại này thông qua việc thiết lập lại và thúc đẩy chất lượng quản trị rừng tốt hơn ở Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, PanNature mong muốn các tổ chức và cá nhân quan tâm cùng phối hợp rà soát và đánh giá các nội dung, quy định của dự thảo Luật BV&PTR sửa đổi (dự thảo số 5) về các nội dung:

  1. Quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch rừng (cấp quốc gia, địa phương): Dự thảo hiện hành có đảm bảo tính minh bạch và hợp tác liên ngành trong thiết kế, xây dựng và thực hiện quy hoạch rừng, đất lâm nghiệp hay không? Các quy định của dự thảo Luật có thể đảm bảo quy hoạch sẽ được tôn trọng, tuân thủ và không bị phá vỡ bởi các can thiệp trong và ngoài ngành lâm nghiệp khi thực hiện hay không?
  2. Phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên: Dự thảo hiện hành liệu có đảm bảo tránh được hoặc giảm thiểu được tình trạng lạm quyền trong các quyết định chuyển đổi rừng tự nhiên bất hợp lý, thiếu cân nhắc? Làm thế nào để có thể kiểm soát tốt hơn và đảm bảo yêu cầu giải trình trách nhiệm, cũng như tuân thủ pháp luật của các bên có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên? Tính nhất quán, rõ ràng về chức năng, thẩm quyền của các bên để đảm bảo rằng các quá trình quyết định (chuyển đổi rừng tự nhiên) cũng xem xét và cân nhắc toàn diện?
  3. Phục hồi và mở rộng diện tích rừng tự nhiên: Dự thảo hiện hành có đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ rừng, nhất là hộ gia đình và cộng đồng, tham gia phục hồi rừng tự nhiên, nhất là trên các khu vực có mâu thuẫn sử dụng đất trong hoặc sát ranh giới các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ? Môi trường pháp lý có thể khuyến khích khối tư nhân tham gia hợp tác công – tư trong đầu tư, phát triển rừng tự nhiên, mở rộng cảnh quan rừng và hưởng lợi từ DVMTR?

PanNature mong muốn những thảo luận và khuyến nghị về các nội dung nên trên sẽ góp phần cùng các đại biểu Quốc hội, Bộ NN&PTNT và Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi chính thức phê duyệt vào kỳ họp cuối năm nay.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Lung trình bày tại hội thảo
Bà Nguyễn Hải Vân (PanNature) chia sẻ tại hội thảo
TS Vũ Văn Mễ trình bày tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tài liệu hội thảo:

Chương trình hội thảo

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch rừng trong dự thảo Luật BVPTR sửa đổi
TS. Vũ Văn Mễ – Viện Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia

Phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên và Bảo tồn thiên nhiên trong dự thảo Luật BVPTR sửa đổi
Nguyễn Hữu Tuấn Phú – Chuyên gia tư vấn chính sách lâm nghiệp

Phục hồi và mở rộng diện tích rừng tự nhiên thông qua các mô hình hợp tác công-tư
GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Lung – Viện Quản lý Rừng Bền vững và Chứng chỉ Rừng

Bảo hộ quyền của hộ gia đình và cộng đồng đối với rừng trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi
Nguyễn Hải Vân – Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 (sửa đổi): Xác định phạm vi các quy định liên quan
Nguyễn Hải Vân – Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)

Dự thảo 5 Luật Bảo vê và Phát triển rừng sửa đổi

Quyết định số 1819/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/5/2017 về việc Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016.

Biên bản hội thảo (sẽ được cập nhật sau)

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia