Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

ThienNhien.Net – Hạn hẹp về tài chính, nguồn nhân lực trong khi đối tượng thuộc diện cần được trợ giúp pháp lý không hề nhỏ, đang là những thách thức đặt ra, đòi hỏi cần bước chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi của Luật Trợ giúp pháp lý 2017.

Thách thức về nguồn lực

Theo Điều 2 dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý có điều kiện khó khăn về tài chính quy định tại Khoản 7, Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo, người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.

Một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm tính khả thi của Luật đó là nguồn lực về con người và tài chính. Tuy nhiên, băn khoăn đặt ra là với 7 nhóm đối tượng cần được trợ giúp theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì nguồn lực có bảo đảm hay không? Đại diện Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định, với số lượng trên 40 triệu người cần được trợ giúp pháp lý, ngân sách dự kiến có lẽ sẽ tăng lên, mặc dù còn khiêm tốn so với nhiều nước. Theo đó, mỗi năm ngân sách chi cho hoạt động trợ giúp pháp lý chỉ khoảng 4 – 5 triệu USD. Tuy nhiên, cái được khi có Luật, đó là trách nhiệm của Nhà nước đã nâng lên tức là nếu như các đối tượng có vụ việc phải trợ giúp pháp lý thì nhiệm vụ của Nhà nước phải chi trả theo quy định.

Đại diện các địa phương cho biết, ngân sách được chi tiêu và thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, cho nên khoản tiền cấp cho trợ giúp pháp lý là bao nhiêu hoàn toàn “phụ thuộc vào UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương”. Đáng nói là hiện có gần 50 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và phải nhận sự hỗ trợ, do đó ngân sách về trợ giúp pháp lý có tăng nhưng tăng bao nhiêu thì hoàn toàn phụ thuộc vào số vụ việc ở địa phương.

Chủ tịch Hội Luật gia kiêm Giám đốc Trung tâm pháp luật và trợ giúp pháp lý tỉnh Lai Châu Nguyễn Cảnh Phương cho biết, rất băn khoăn bởi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động này vẫn được cấp theo quy chế cũ, trong khi nguồn nhân lực còn yếu và thiếu. Riêng tại Lai Châu, đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số khá lớn, tính sơ qua cũng chiếm trên 60% các đối tượng cần phải trợ giúp pháp lý. Đáng nói là hoạt động trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn, chỉ có 4 trợ giúp viên pháp lý, 3 luật sư và duy nhất một trung tâm tại tỉnh, chưa có trung tâm tại các huyện vùng sâu, vùng xa.

Bảo đảm đủ nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý (Nguồn: ITN)

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết, Luật có cơ chế, nếu địa phương không đủ nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý thì Sở Tư pháp có thể ký hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư ngay tại địa bàn, thậm chí luật sư ở những tỉnh khác để bảo đảm hoạt động ở địa phương mình. Đối với những vùng mà người dân tộc chiếm tới trên nửa đối tượng cần trợ giúp pháp lý, cần có biện pháp thiết thực hơn để bảo đảm tính hiệu quả khi thực hiện.

Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương Mai Thị Trúc Hạnh kiến nghị, địa phương có thể phối hợp với trường có đào tạo chuyên ngành luật. Bởi không ít trường đã tạo lập ý thức, kỹ năng cho sinh viên – những người sẽ trở thành trợ giúp viên pháp lý hay luật sư về phương pháp tăng cường tiếp cận công lý cho nhóm yếu thế, cho người nghèo và rộng hơn là cho cộng đồng. Sinh viên sẽ trở thành “cánh tay đắc lực” thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương. Thời gian qua, rất nhiều sinh viên chuyên ngành luật đã đến từng địa phương, các xã, phường hay các thôn, bản miền núi để tuyên truyền văn bản pháp luật mới hay tổ chức dựng án, các phiên tòa giả định, giúp người dân hiểu hơn về pháp luật và áp dụng pháp luật một cách đúng đắn nhất.

Đúng và đủ đối tượng

Không chỉ riêng vấn đề về nhân lực, đối tượng được trợ giúp pháp lý ra sao cũng nhận được sự quan tâm của không ít chuyên gia. Mặc dù Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quy định cụ thể 7 nhóm đối tượng, song lại cho phép Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Khoản 7, Điều 7 cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội. Theo Bà Trịnh Thị Lê Trâm, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/ AIDS, Hội Luật gia Việt Nam, khái niệm “khó khăn về tài chính” chưa được làm rõ trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Dự thảo mới đưa ra hai tiêu chí là “người cận nghèo” và “người được trợ cấp xã hội hàng tháng”, song như vậy chưa đủ để khẳng định các đối tượng đó có khó khăn về tài chính, dự thảo nếu quy định chung chung sẽ rất khó thực hiện, nhất là khi Luật sắp có hiệu lực thi hành.

Mặt khác, cũng có ý kiến băn khoăn, người nhiễm HIV, người khuyết tật hay những đối tượng bị bạo lực gia đình đều rất cần được trợ giúp pháp lý, vậy có nên kèm theo điều kiện “khó khăn về tài chính” nữa hay không? Nên chăng quy định các đối tượng “trên cận nghèo” cũng được trợ giúp pháp lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây quả thực là vấn đề khó, bởi ngoài những đối tượng này cũng còn nhiều nhóm yếu thế khác, Luật đã cân nhắc và đánh giá rất rõ ràng, cụ thể. Đúng là những đối tượng “trên cận nghèo” cũng không đủ tiền thuê luật sư thế nhưng trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn hạn chế và số lượng người được trợ giúp pháp lý lớn thì rất cần cân nhắc. Nếu mở rộng đối tượng Khoản 7, Điều 7 quá nhiều, ngân sách sẽ không “kham” nổi, khi đó yêu cầu bảo đảm chất lượng cho hoạt động trợ giúp pháp lý khó thực hiện được.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đặt câu hỏi, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật có dự liệu trợ giúp pháp lý cho những nạn nhân liên quan tới lĩnh vực môi trường hay chưa? Bởi thực tế những vụ việc liên quan tới môi trường thời gian qua như vụ Vedan có tới 7.000 người bị ảnh hưởng, Nicotex Thanh Thái 30.000 người bị ảnh hưởng hay vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung có 200.000 người bị ảnh hưởng.

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết, có nên quy định những đối tượng khó khăn đột xuất như tai nạn hay rơi vào tình trạng bất khả kháng, gặp sự cố môi trường, cũng từng là câu hỏi lớn từng được đặt ra. Tuy nhiên khó khăn đột xuất trong thời gian bao lâu, 3 tháng, 9 tháng hay lâu hơn, đòi hỏi phải có chứng minh rất cụ thể. Hơn nữa những đối tượng bị ảnh hưởng chưa chắc tất cả đã thuộc hộ nghèo và là đối tượng cần được trợ giúp pháp lý, cho nên kiến nghị này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. 

Nguồn: Đại biểu Nhân dân

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia