Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu

Một nghiên cứu tổng quan các loài thông bản địa tự nhiên của Việt Nam do Giáo sư, Tiến sĩ Phan Kế Lộc – Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và các cộng sự thực hiện vừa được xuất bản trên Tạp chí khoa học Botany, Số 5, Tập 49, Năm 2017.

Theo tổng quan mới này, nhóm thông bản địa của Việt Nam gồm 33 loài, 2 phụ loài và 5 thứ loài thuộc 5 họ và 19 chi. Họ lớn nhất là họ Thông (Pinaceae) với 5 chi và 13 loài. Tiếp theo là họ Hoàng đàn hay còn gọi là họ Bách (Cupressaceae) với 7 chi và 7 loài, họ Thông tre (Podocarpaceae) với 4 chi và 7 loài, họ Thanh tùng còn gọi là Thông đỏ (Taxaceae) với 2 chi và 5 loài và họ Đỉnh tùng (Cephalotaxaceae) có 1 chi 1 loài.

Tổng quan cũng cho biết 30 trong tổng số 33 (tương đương 90%) loài thông bản địa Việt Nam đang nằm trong danh sách loài bị đe doạ cấp quốc gia. Trong đó, 3 loài được xếp ở mức Cực kỳ nguy cấp (Hoàng đàn hữu liên hay Hoàng đàn kai kinh Cupressus tonkinensis, Thông nước hay Thủy tùng Glyptostrobus pensilis, Bách vàng việt Xanthocyparis vietnamensis), 8 loài ở mức Nguy cấp (Vân sam phan xi păng hay Lãnh sam hoàng liên sơn Abies delavayi subsp. fansipanensis, Bách xanh núi đất hay Pơ mu giả Calocedrus macrolepis var. macrolepis, Sa mu dầu Cunninghamia lanceolate var. konishii, Pơ mu Fokienia hodginsii, Du sam đá vôi Keteleeria davidiana, Thông xuân nha  Pinus armandii subsp. xuanhaensis, Thông đá vôi quả nhỏ Pinus henryi, Thông đỏ nam hay Thông đỏ núi đá không vôi Taxus wallichiana) và 19 loài ở mức Sắp nguy cấp.

Tổng quan đã cập nhật thông tin về hình thái, sinh thái, sinh học và môi trường sống của những loài thông bản địa Việt Nam. Tuy nhiên, các tác giả cũng thừa nhận rằng thông tin về hệ thực vật hạt trần của Việt Nam sẽ còn thay đổi trong tương lai vì hệ thực vật của nhiều khu vực rừng núi vẫn chưa được điều tra đầy đủ. Nghiên cứu vẫn chưa có đủ thông tin cần thiết của một số nhóm loài như: Du sam đá vôi (Keteleeria davidiana) và Du sam núi đất (Keteleeria evelyniana), Kim giao (Nageia fleuryi) và Kim giao hạt nhỏ (Nageia nagi), Thông đỏ bắc (Taxus chinensis) và Thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana), Thiết sam đá vôi (Tsuga chinensis) và Thiết sam núi đất (Tsuga dumosa), Thông tre trung bộ (Podocarpus annamiensis) và Thông lá tre dài (Podocarpus neriifolius), Thông đà lạt (Pinus dalatensis), Thông Pinus anemophila, Thông pà cò (Pinus kwangtungensis) và Thông năm lá cành lông (Pinus wangii), Thông tre lá vừa (Podocarpus neriifolius) và Thông tre lá dài (P. annamiensis) .

Tổng quan có cập nhật thông tin cho loài Thông xuân nha (Pinus armandii subsp. xuanhaensis) là một loài thông năm lá mới của Việt Nam. Quần thể loài Thông này do nhóm cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phát hiện và thu mẫu vào năm 2013 tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Nha trong quá trình thực hiện Dự ánBảo tồn và phát triển các loài cây lá kim ở Khu BTTN Xuân Nha do Quỹ Rufford tài trợ. Theo nghiên cứu điều tra của PanNature, loài này hiện có số lượng quần thể khoảng 200 cây, phân bố trên diện tích khoảng 80 km2. Cùng với GS Phan Kế Lộc, các cán bộ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tiến hành thu mẫu, mô tả, định loại và công bố loài Thông mới độc đáo này cho Việt Nam.

Sau hai năm thực hiện dự án, nhóm cán bộ PanNature không chỉ phát hiện và công bố loài Thông mới mà còn ghi nhận sự có mặt của các loài Sa mộc dầu hay còn gọi là Ngọc Am (Cunninghamia konishii) và Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunannensis) ở khu vực núi Pha Luông cũng thuộc Khu BTTN Xuân Nha. PanNature đã thành lập Câu lạc bộ Thông, cùng các đối tác địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn các loài cây lá kim quý hiếm đây. Các cán bộ hiện trường của PanNature thường xuyên hỗ trợ địa phương và khu bảo tồn trong việc nghiên cứu nhân giống, gây trồng các loài cây lá kim của khu vực. Bên cạnh đó là hoạt động hỗ trợ sinh viên thực tập các trường đại học chuyên ngành liên quan tới lâm nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu đa dạng sinh học ở vùng hành lang núi giữa Sơn La và Hòa Bình.

Cây Thông xuân nha trong tự nhiên
Hạt Thông xuân nha sau gieo 10 ngày (a), 25 ngày (b) và 45 ngày(c).
Cây Sa mu dầu trên núi Pha Luông
Cây Dẻ tùng sọc rộng duy nhất tìm thấy khu vực rừng dưới đỉnh Pha Luông

Trước đó, Quỹ Rufford cũng đã tài trợ cho PanNature thực hiện Dự án “Bảo tồn các loài cây hạt trần tại hành lang núi đá vôi Hòa Bình – Sơn La”, trong thời gian từ tháng 10/2012 tới tháng 10/2013, nhằm đánh giá hiện trạng bảo tồn của các loài cây lá kim gặp tại khu vực, mức độ đe dọa đối với từng loài và đưa ra giải pháp cho bảo tồn.

Sử dụng các số liệu thu thập được từ hoạt động hiện trường kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm nhân giống trong vườn ươm nhóm cán bộ dự án đã cho ra đời Cuốn sách Chỉ dẫn về các loài thông ở vùng núi Mai Châu – Mộc Châu, tỉnh Hòa Bình và Sơn La (tháng 10/2013) nhằm cung cấp những thông tin cụ thể và cập nhật nhất cho những loài cây gỗ thuộc lớp Thông (Pinopsida) của hệ thực vật vùng núi giáp ranh giữa hai tỉnh Hòa Bình – Sơn La (cụ thể là hai huyện Mai Châu và Mộc Châu). Giáo sư Phan Kế Lộc nhận định: “Cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng nhiều thông tin và ảnh minh họa sinh động từ kết quả nghiên cứu trên thực địa và trong vườn ươm cho các loài Thông ở một khu vực núi cực nam Tây Bắc. Các dữ liệu về địa điểm phân bố, đánh giá diện tích khu phân bố, nơi cư trú cùng trữ lượng quần thể lần đầu tiên được nêu lên. Một cuốn sách rất bổ ích cho những người làm công tác bảo tồn trên thực tế…”.

Một số hình ảnh khác:

GS.TS Phan Kế Lộc tham dự Hội thảo Bảo tồn cây lá kim tại hành lang núi đá vôi Mai Châu – Mộc Châu

Hoạt động hiện trường của cán bộ PanNature

Thông tre lá ngắn ra quả trong tự nhiên

Thông pà cò tại Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò
Bách xanh núi đá trong tự nhiên
Thông đỏ ra quả trong tự nhiên

Leave A Comment

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia