Nhằm cung cấp thêm thông tin về yêu cầu và kinh nghiệm áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường – xã hội trong phát triển nông-lâm nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng của doanh nghiệp, tránh rủi ro khi tham gia vào thị trường xuất khẩu và nội địa, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuât tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo tập huấn “Đảm bảo an toàn môi trường – xã hội cho đầu tư phát triển nông lâm nghiệp bền vững ở Tây Nguyên: Từ chính sách đến thực tiễn” tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk ngày 13 tháng 4 năm 2018.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp về cả cơ cấu, quy mô và lựa chọn ngành hàng, thị trường. Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra và đồ gỗ. Gần 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông-lâm-thủy sản, chủ yếu quy mô nhỏ và vừa (đến tháng 08/2017) có vai trò đặc biệt quan trọng do có mối liên kết đến hàng triệu lao động là nông dân cũng như gắn bó chặt chẽ với sử dụng tài nguyên đất đai, nguồn nước và đa dạng sinh học. Sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương và gánh chịu rủi ro cao từ tác động của biến đổi khi hậu, hạn chế trong tiếp cận thông tin, thị trường và khoa học-kỹ thuật ưu việt.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, bên cạnh các hiệp định thương mại song phương, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTAs) Tham gia các FTAs này không chỉ thực hiện, áp dụng ưu đãi thuế quan (với mức thuế cắt giảm dần về 0%) đối với hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu, mà còn yêu cầu các quốc gia thành viên phải tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, tồn dư hóa chất, đảm bảo an toàn lao động hay quyền con người trong quá trình sản xuất (gọi chung là các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường – xã hội). Vì thế, sản xuất hàng hóa nông-lâm nghiệp của Việt Nam cũng phải đổi mới và dịch chuyển theo xu hướng này như là một phần của quá trình cạnh tranh thị trường về cả chất lượng, giá cả và giá trị xã hội-nhân văn gắn liền với mỗi loại hàng hóa, thương hiệu sản phẩm.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 30 đại biểu đến từ các Hợp tác xã, doanh nghiệp và hiệp hội địa phương trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Chương trình và các bài trình bày tại hội thảo tập huấn:
Đầu tư vào nông-lâm nghiệp ở Việt Nam: xu hướng và chính sách
Ông Lưu Đức Khải, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung Ương
Bà Lê Huyền Trang, Đại học Ngoại thương
Ông Lê Khắc Côi, Chuyên gia độc lập
Ông Bùi Thu, CaféControl
Đánh giá rủi ro và yêu cầu đảm bảo an toàn MT-XH trong hoạt động đầu tư vào đất
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư phát triển nông sản sạch tại Đăk Lăk
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, ThS. Phan Nguyên Bích, Công ty Cổ phần Nông nghiệp CNC Agrieco Việt Nam