Việt Nam đang đối mặt với thách thức mất cân đối an ninh năng lượng trước nhu cầu ngày càng tăng của các hoạt động kinh tế – xã hội và sự giới hạn của các nguồn cung cấp điện. Đến năm 2030, nguồn thủy điện sẽ được khai thác tối đa và đến ngưỡng. Trữ lượng than đá đang giảm dần, khả năng đáp ứng nguồn cung cho nhiệt điện chỉ còn khoảng 1/3 nhu cầu vào năm 2035. Trong khi đó, định hướng phát triển của nền kinh tế trong những năm vừa qua và trong tương lai gần vẫn chú trọng vào nâng cao tỉ trọng công nghiệp, dẫn đến gia tăng nhu cầu, vượt quá khả năng cung cấp năng lượng. Nhu cầu từ các ngành sản xuất, dịch vụ khác cũng như nhu cầu dân dụng khi đời sống được nâng cao cũng tăng thêm sức ép đối với việc đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Hiện nay, các nguồn năng lượng sạch vẫn chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong tổng nguồn cung, trong khi các nguồn năng lượng thông thường ngày càng chứng tỏ mức độ tác động lớn lên môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Làn sóng đầu tư vào nhiệt điện than trong thời gian gần đây đang gây ra nhiều lo ngại cho cộng đồng những nơi có dự án. Thủy điện, vốn được xem là năng lượng sạch, song do không được quy hoạch khoa học và hợp lý, đang là nguyên nhân tạo ra những thay đổi tiêu cực về môi trường, phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng đến sinh kế và đảo lộn cuộc sống của người dân.
Nhìn về dài hạn, thế giới chắc chắn phải tìm kiếm và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng phi hóa thạch, bền vững hơn để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển. Trên thực tế, giới khoa học, các nhà đầu tư và các tập đoàn công nghệ năng lượng lớn đang đi đầu, dẫn dắt thế giới theo xu hướng này. Tuy nhiên, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hoặc áp dụng công nghệ mới thực sự không dễ dàng. Câu hỏi đặt ra về mặt chính sách cần giải quyết là: Làm thế nào vẫn có đủ năng lượng cho phát triển mà giảm thiểu được tác động lên môi trường và con người?
Theo tính toán của giới khoa học, đến 2050, năng lượng mặt trời sẽ cung cấp hơn 50% nhu cầu điện năng của thế giới. Tiến bộ khoa học và công nghệ cũng sẽ đưa các nguồn năng lượng tiềm năng chưa được khai thác vào sử dụng, phục vụ con người. Trong vòng không quá 100 năm tới, loài người sẽ có khả năng sử dụng công nghệ tổng hợp hạt nhân như một nguồn cung cấp năng lượng ưu việt, có mật độ năng lượng cao, nguồn nhiêu liệu thô vô tận, hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường. Đây có thể là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai cho nhân loại. Bên cạnh đó, dự báo trong vòng khoảng 30 năm tới đây, chúng ta sẽ có khả năng thay thế hệ thống truyền tải điện thông thường bằng các vật liệu siêu dẫn, có thể giúp loại bỏ thất thoát 20% năng lượng điện từ nguồn phát đến nơi sử dụng.
Trước viễn cảnh thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp năng lượng trong tương lai không xa, Việt Nam cũng cần có các tính toán hợp lý để bắt nhịp với lộ trình của thế giới. Việc đưa dự báo công nghệ vào trong lộ trình phát triển để tránh bị tụt hậu và lãng phí là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, để đảm bảo cung cấp nhu cầu năng lượng, Việt Nam cần ưu tiên loại bỏ các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng trong các quy hoạch phát triển thông qua hàng rào chính sách, kỹ thuật. Tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất năng lượng cũng sẽ giúp cân đối năng lượng. Bên cạnh đó, cần có lộ trình hợp lý cho năng lượng tái tạo nhằm thay thế dần các nguồn năng lượng thông thường, có tính đến yếu tố công nghệ mới. Hơn nữa, các dự án năng lượng trong thời gian tới cần bắt buộc áp dụng công nghệ thế hệ mới nhằm tăng hiệu suất, giảm tác động lên môi trường và sức khỏe con người.
Các nội dung chính trong số này:
- Quy hoạch nguồn điện cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng bền vững
- An ninh năng lượng ở Việt Nam: Những rào cản & đề xuất chính sách
- Nhiệt điện than – Những cải cách cấp thiết về chính sách và công nghệ
- Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ lớn từ nhiệt điện than
- Triển vọng năng lượng gió, năng lượng mặt trời tại Việt Nam
- Phát triển công nghệ tua-bin gió nội địa: Con đường nào cho Việt Nam?
- Lộ trình đưa thế giới đến mục tiêu 100% năng lượng sạch & tái tạo
- Tương lai của nguồn tài nguyên năng lượng phân tán
- Một số chính sách mới ban hành trong quý II năm 2017
Đọc bản tin chính sách trực tuyến
Tải Bản tin Chính sách số 26 (10Mb) tại đây >>