Khu vực Mê Công với hơn hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế xã hội nhanh chóng với sự biến đổi rõ rệt trong một số ngành kinh tế và tương quan khu vực nông thôn – thành phố với sự mở rộng dần các đô thị. Đất đai – nền tảng cho phát triển quốc gia và nền tảng cho sinh kế của hàng triệu người dân khu vực nông thôn – tiếp tục đóng vai trò trung tâm cho sự phát triển ở khu vực này.
Là nền tảng sinh kế của hàng triệu người, đất đai không thể chỉ nhìn nhận dưới góc độ tài sản mà còn là vấn đề xã hội, môi trường và nhân quyền. Câu hỏi đặt ra là những quốc gia trong khu vực Mê Công đã làm gì để vừa đảm bảo việc thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo lại vừa bảo vệ được các quyền đất đai của cộng đồng và môi trường, hệ sinh thái trong phát triển? Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực liên quan nhiều đến đất đai cần cân nhắc những gì để xử lý với những rủi ro liên quan đến đất đai trong bối cảnh quốc gia đa dạng về văn hóa – xã hội, phong tục, tập quán?
Tranh chấp và xung đột liên quan đến đất đai là vấn đề nóng bỏng ở các quốc gia khu vực Mê Công, thậm chí trở thành vấn đề khu vực thông qua những dòng vốn đầu tư xuyên biên giới. Nông nghiệp – lĩnh vực đầu tư trực tiếp vào đất và có nhu cầu đất lớn trở thành những dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp và xung đột.
Tiếp nối thành công của Tập huấn về Môi trường và Hệ sinh thái, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức tập huấn “Rủi ro trong đầu tư liên quan đến đất đai: Nhận diện rủi ro, cơ chế phòng ngừa, khắc phục và xử lý khủng hoảng” cho các Doanh nghiệp hội viên và đối tác tại thành phố Đà Nẵng ngày 19 – 20/7/2018.
Tập huấn kỳ vọng sẽ hỗ trợ Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhận diện được các rủi ro, xây dựng cơ chế phòng ngừa và chủ động thích ứng với các rủi ro liên quan đến đất đai trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Tập huấn được tổ chức với sự hỗ trợ tài chính của Chương trình hợp tác của Liên hợp quốc về Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (UNREDD+ Việt Nam).
Tài liệu trong tập huấn bao gồm:
Quyền đất đai- Nhìn từ góc độ so sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế
PGS.TSKH Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Một số vấn đề về tranh chấp đất đai ở Việt Nam
TS. Huỳnh Thế Du – Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
Dự phòng và xử lý khủng hoảng truyền thông
Ông Nguyện Ngọc Long – Sáng lập viên Truyền thông Trăng Đen
Tổng quan về Kinh doanh và Nhân quyền: Bối cảnh và xu hướng quốc tế
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Phòng Nghiên cứu – Chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên.