Với định hướng tuyên truyền, phổ biến thông tin về Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), đồng thời hỗ trợ cộng đồng và các bên liên quan thực hiện hiệu quả chính sách chi trả giảm phát thải từ rừng, từ cuối năm 2022, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức chuỗi các hoạt động tham vấn, hội thảo, tập huấn về kế hoạch chia sẻ lợi ích ERPA tại hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình.
Thông qua các hoạt động này, PanNature đã ghi nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng, các đơn vị cấp cơ sở cùng các tổ chức xã hội trên địa bàn hai tỉnh về chính sách chi trả giảm phát thải từ rừng và kế hoạch chia sẻ lợi ích theo Nghị định 107 của Thủ tướng chính phủ về ERPA.

Bản tin chính sách số 27-28: Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới
Lâm nghiệp Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, khi Luật Lâm nghiệp 2017, thay thế cho Luật BVPTR 2004, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Trong khi các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2020 đã được xác định, thì nhiều động lực mới đang hoặc sẽ thúc đẩy hình thành một bức tranh lâm nghiệp mới, bao gồm: tăng trưởng cao hơn dự báo của ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ; sự gia tăng nguồn thu cho bảo vệ rừng nhờ mở rộng đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng; chất lượng quy hoạch lâm nghiệp hứa hẹn được cải thiện và ổn định hơn theo khung thực thi mới của Luật Quy hoạch và Luật Đất đai (dự kiến sửa đổi); sự cải thiện của hệ thống thông tin và quản trị rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu quốc tế khi tham gia các sáng kiến như Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), REDD+, hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) liên quan.
Dựa trên các nguyên tắc về quản trị rừng, BTCS này tổng hợp và cung cấp một số bình luận, khuyến nghị của chuyên gia chính sách và tổ chức xã hội về quyền và lợi ích của hộ gia đình, cộng đồng địa phương, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số, tham gia hoạt động lâm nghiệp trong mối quan hệ chủ thể (rừng, đất rừng), sinh kế (cải thiện đời sống) và kết nối xã hội (với các chủ thể khác). Các thảo luận này được đặt ra trong các chủ đề sau:
· Diễn giải về khả năng vận dụng quy định về quyền của người dân trong hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp, bao gồm cả thể chế hóa quản lý rừng tín ngưỡng;
· Bất cập về quản lý rừng, đất rừng hiện do UBND xã quản lý; và yêu cầu giải quyết chồng lấn, mâu thuẫn quản lý, sử dụng đất rừng;
· Cải thiện chia sẻ lợi ích và sinh kế cộng đồng từ tiếp cận nguồn gen, bảo tồn ĐDSH, giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ và hợp tác cộng đồng tham gia quản lý rừng, sử dụng đất rừng; xây dựng cảnh quan, hành lang rừng bền vững; và
· Vai trò, sự tham gia của tổ chức xã hội và cộng đồng trong giám sát, báo cáo quản trị rừng.
Ban biên tập mong muốn thông qua BTCS này các phân tích và khuyến nghị tiếp tục được lan tỏa để các bên liên quan, nhất là cơ quan quản lý, quan tâm và tìm cách giải quyết khi bắt tay xây dựng các chính sách lâm nghiệp mới cho giai đoạn sau năm 2020, cũng như tổ chức thực hiện Luật Lâm nghiệp.
Mời Quý độc giả đọc Bản tin Chính sách trực tuyến:
Tải Bản tin tại đây>>