Việt Nam đang dần trở thành một trong những nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng trong khu vực Mekong, trong đó Lào, Campuchia và Myanmar nhận được nhiều đầu tư hơn cả. Nông – lâm – thủy sản chính là một trong những ngành mũi nhọn của làn sóng đầu tư Việt Nam ra nước ngoài do sự gần gũi về vị trí địa lý, tương đồng về điều kiện khí hậu và trình độ lao động tại 3 quốc gia kể trên.
Bên cạnh những sự tương đồng, các công ty phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ và pháp luật, dẫn tới rủi ro về pháp lý và mâu thuẫn với cộng đồng địa phương. Ngoài ra, các phong trào về nhân quyền và môi trường đang tạo ra sức ép yêu cầu các nhà đầu tư phải có trách nhiệm và kinh doanh bền vững hơn. Lần đầu tiên, nhà đầu tư Việt Nam phải đối mặt với các cơ chế khiếu kiện quốc tế liên quan đến vấn đề môi trường – xã hội – một điều chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Trước thực trạng trên Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Tổ chức Oxfam Việt Nam triển khai Dự án nghiên cứu về đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Campuchia và khởi xướng sáng kiến xây dựng hướng dẫn tự nguyện nhằm cung cấp thông tin giúp giảm thiểu rủi ro môi trường – xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Bộ hướng dẫn đã được thực hiện thí điểm tại một số doanh nghiệp và có một số kết quả bước đầu.
Để công bố và phổ biến rộng rãi Bộ Hướng dẫn này cho các doanh nghiệp khác cùng thực hiện, ngày 10/1/2019 Pan Nature, VCCI, và Oxfam phối hợp tổ chức Hội thảo về Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài: Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu từ các cơ quan ngoại giao, đại sứ quán Lào và Campuchia ở Việt Nam, đại diện các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào và Camphuchia trong đó có Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Công ty cổ phần đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) cùng các công ty con, đại diện từ các tổ chức quốc tế và tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nhân quyền và các cơ quan báo chí.
Cũng trong khuôn khổ dự án này, PanNature sản xuất phim “Doanh nghiệp & Tổ chức xã hội – Hợp tác vì phát triển bền vững”. Phim ghi nhận quá trình và kết quả từ các cuộc nghiên cứu và khảo sát trong 3 năm kể từ năm 2015 tại các doanh nghiệp bao gồm Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Công ty cổ phần đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) cùng các công ty con đang đầu tư tại Lào và Campuchia, cũng như những dự định của các bên trong thời gian tới.
Nhóm làm phim hy vọng khán giả có thể nhận ra sự thay đổi và cách nhìn nhận mới của các nhà đầu tư: Phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm là con đường tất yếu để kinh doanh và đầu tư thành công.
Mời quý vị tham khảo phim và tài liệu hội thảo dưới đây:
Hướng dẫn tự nguyện giảm thiểu rủi ro môi trường – xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở tiểu vùng Mekong
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Phòng Nghiên cứu – Chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên
Tập đoàn Cao su Việt Nam thực hiện hướng dẫn tự nguyện
Ông Diệp Xuân Trường, Phó ban Công nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
DRI và quá trình áp dụng chương trình thí điểm Hướng dẫn tự nguyện
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Cao su Đắk Lắk