Thưởng thức văn hóa ẩm thực, đắm mình trong điệu Then, đàn Tính, tham gia lễ hội truyền thống, khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc độc đáo hay tìm hiểu nét tinh tế trong kiến trúc nhà và các công đoạn dệt vải lanh, chế tác khèn Mông… là những trải nghiệm thú vị khi du khách tham quan các làng văn hóa du lịch (LVHDL) trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm 2012, tại Hội nghị triển khai xây dựng LVHDL tiêu biểu gắn với Nông thôn mới, tỉnh ta đưa ra 10 tiêu chí (Tuyên bố Panhou); trong đó có các tiêu chí: Xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú; có làng nghề truyền thống; đảm bảo phục vụ lưu trú; có Hội Nghệ nhân dân gian… Bên cạnh đó, Chương trình số 62-CTr/TU, ngày 29.3.2013 của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013 – 2020, nhấn mạnh: Phát huy thế mạnh của địa phương, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, đảm bảo thuận lợi phát triển du lịch; bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; tập trung xây dựng các LVHDL tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới. Đến năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 35 về chính sách khuyến khích phát triển du lịch… Những chủ trương, quyết sách của tỉnh là nền móng, trao cơ hội để các địa phương đẩy mạnh phát triển LVHDL một cách bền vững. Đến nay, toàn tỉnh ra mắt được 36 LVHDL, trong đó có 16 làng đăng ký và 12 LVHDL đạt tiêu chí Panhous.
Thăm LVHDL cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) những ngày đầu năm, chúng tôi gặp nhiều nhóm du khách trải nghiệm, tìm hiểu đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Tày tại các homestay. Anh Hoàng Nhật Khanh, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Hà Giang không chỉ nổi tiếng, thu hút du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn mà còn hấp dẫn bởi các LVHDL cộng đồng. Trong hành trình du lịch, chúng tôi quyết định khám phá các LVHDL và thôn Tha là điểm đến đầu tiên. Ở đây phong cảnh đẹp, thanh bình, người dân thân thiện, đặc biệt được nghe làn điệu Then, đàn Tính, thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Tày, thực sự rất tuyệt vời”.
Anh Nguyễn Văn Nghiềm, hộ dân làm du lịch homestay thôn Tha, cho biết “Tôi làm du lịch từ năm 2015; mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng đã giúp gia đình phát triển kinh tế, đồng thời quảng bá được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, được giao lưu với nhiều nền văn hóa”.
LVHDL cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) được xây dựng từ năm 2012 do Tổ chức Caritas (Thụy Sĩ) phối hợp với Trung tâm Con người và thiên nhiên triển khai thông qua Dự án Phát triển du lịch vì người nghèo. Mục tiêu đặt ra, giúp người dân tăng thêm nguồn sinh kế, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc của người Dao. Với cách làm khoa học, hiệu quả, phát huy tối đa lợi thế sẵn có của địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, người dân, LVHDL cộng đồng Nặm Đăm đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Đặc biệt, năm 2017, LVHDL cộng đồng Nặm Đăm được công nhận đạt chuẩn ASEAN Homestay; hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tham quan, khám phá. Để giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch, thôn Nặm Đăm đã thành lập Ban Quản lý, Câu lạc bộ Homestay Nặm Đăm, thành lập 2 đội văn nghệ phục vụ du khách.
Ngược lên Cao nguyên đá, khách du lịch được chiêm ngưỡng nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Mông từ LVHDL thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn); LVHDL thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) với kiến trúc nhà trình tường; thưởng thức múa khèn Mông, trải nghiệm dệt lanh; tham gia Lễ hội Gầu tào; thưởng thức ẩm thực với mèn mén, thắng cố, thịt treo gác bếp…
Các LVHDL cộng đồng đã thu hút đông đảo du khách đến Hà Giang; làm thay đổi diện mạo làng quê; đời sống người dân không ngừng được nâng cao; cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa. Đặc biệt hơn, các LVHDL cộng đồng trở thành “bảo tàng sống’’ lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.
Mời xem VIDEO giới thiệu mô hình du lịch cộng đồng ở Nậm Đăm do PanNature thực hiện.