Trước khi ban hành Luật Môi trường căn bản, các chính sách môi trường của Nhật Bản dựa trên hai luật cơ bản: Luật cơ bản về Kiểm soát ô nhiễm môi trường ban hành năm 1967 và Luật Bảo tồn thiên nhiên ban hành năm 1972. Các luật này đã khá thành công trong mục tiêu kiểm soát ô nhiễm công nghiệp nghiêm trọng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, khi hệ thống kinh tế xã hội và lối sống ngày càng mang bản chất của sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ hàng loạt, khung pháp lý, vốn hoạt động chủ yếu bằng cách áp đặt các hạn chế, không đủ để giải quyết thỏa đáng các vấn đề môi trường đa dạng và mới nổi như ô nhiễm đô thị, ô nhiễm trong nội địa và các vấn đề môi trường toàn cầu.
Do đó, tháng 11 năm 1993, Luật Môi trường căn bản đã được ban hành để vạch ra một hướng đi mới cho các chính sách môi trường của Nhật Bản. Mục tiêu chính của Luật là bảo vệ môi trường, bằng cách công nhận nó là hệ thống hỗ trợ cuộc sống thiết yếu của con người và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Mục tiêu này kỳ vọng đạt được bằng cách xây dựng một xã hội bền vững về kinh tế mà không gây tổn hại cho môi trường, đồng thời đóng góp tích cực vào việc bảo tồn môi trường toàn cầu.
Luật Môi trường căn bản của Nhật Bản bao gồm ba chương. Trong chương đầu tiên, Luật đưa ra ba nguyên tắc cơ bản để bảo tồn môi trường và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, bao gồm chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và công dân. Chương thứ hai đưa ra danh sách các chính sách cơ bản về bảo tồn môi trường, bao gồm xây dựng Kế hoạch môi trường cơ bản, thúc đẩy đánh giá tác động môi trường, các giải pháp chính sách mới, như các giải pháp kinh tế nhằm xóa bỏ trở ngại đối với bảo tồn môi trường và các biện pháp ứng phó với các vấn đề môi trường toàn cầu. Chương thứ ba quy định các hội đồng cần thiết để triển khai các chính sách được liệt kê ở chương hai.
Mời tham khảo chi tiết Luật này qua bản dịch tiếng Việt của PanNature (Dịch từ tiếng Anh).