Sau gần 30 năm, Việt Nam ký kết tham gia Công ước Toàn cầu về #Đa_dạng_Sinh_học (#CBD) và Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động Thực vật Hoang dã bị Nguy cấp (CITES), tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam vẫn đang diễn ra khá phức tạp, tác động tiêu cực tới ĐDSH. Liệu có phải chúng ta vẫn còn khoảng trống pháp luật hay cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác thực thi pháp luật?
Toạ đàm Đối thoại chính sách: “30 Năm Công ước Đa dạng sinh học và sự tham gia của Việt Nam” do Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện phần nào giải đáp những băn khoăn về vấn đề này.
Với vao trò là một tổ chức đã và đang thực hiện nhiều hoạt động và dự án bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam, đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng có một số nhìn nhận và chia sẻ.
Ngăn chặn “chợ mạng” ĐVHD: Cần một chế tài đủ mạnh
Tìm mua động vật hoang dã hay các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Việt Nam có khó không? Câu trả lời là không khó. Chỉ cần vào google, search các từ khóa liên quan, hàng loạt các kết quả sẽ hiện ra trên nền tảng ứng dụng facebook, và việc của người muốn mua hàng rất đơn giản: nhấc máy gọi điện thoại, và chờ đợi cuộc giao dịch.
Điều đáng nói là trong số những mặt hàng được mang ra giao dịch công khai trên internet, có rất nhiều loài nằm trong danh mục động vật hoang dã cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong thời gian gần đây, mặc dù cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, các mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử cũng đã có ý thức hơn trong việc ngăn chặn các giao dịch động vật hoang dã trái phép, nhưng việc buôn bán động vật hoang dã trên internet vẫn diễn ra nhộn nhịp, từ công khai tới âm thầm che giấu do thiếu những chính sách pháp luật mang tính chất ngăn chặn từ giai đoạn đầu.
Phóng sự do Truyền hình Quốc hội thực hiện, với sự tham gia của ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên.