Limitless customization options & Elementor compatibility let anyone create a beautiful website with Valiance.

Liên hệ

NV 31, Khu đô thị Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội +024-3556-4001 contact@nature.org.vn Mở cửa: 8:00 - 17:30 Thứ Hai - Thứ Sáu
  • Comments Off on Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Tham vấn cộng đồng cần phải vì dân

Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia môi trường, tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường cần phải làm thực chất, theo nguyện vọng của số động và phải vì dân.

Sáng nay, 24/10, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020, sau đó tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo; dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 10 này.

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội và các tổ chức xã hội quan tâm, có ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt những nhóm người yếu thế trong xã hội nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự được tiếp thu một cách triệt để trong dự thảo luật, đó là vấn đề “tham vấn cộng đồng nói chung và tham vấn cộng đồng trong các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nói riêng.”

Nhiều ý kiến cho rằng công tác tham vấn cộng đồng hiện còn mang tính hình thức, chưa thiết thực và chưa thực sự lắng nghe người dân, bảo vệ quyền lợi người dân. Nếu dự thảo luật không đưa ra được những quy định cụ thể sẽ không giải quyết được vướng mắc này trong thực tiến, nhất là khi nhiều nơi người dân đang phải “sống chung” với ô nhiễm do hoạt động sản xuất của các nhà máy xi măng, giấy…

Dưới đây là một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia môi trường về dự thảo luật quan trọng này qua các vòng thảo luận, lấy ý kiến:

Ông Võ Trí Chung, chuyên gia của Chương trình Con người và Sinh quyền – Ủy ban UNESCO Việt Nam: Tham vấn cộng đồng cần phải đích thực vì cộng đồng và phải làm đến nơi đến chốn. Chúng tôi cũng đi làm ĐTM và làm nhiều lắm rồi. Việc tham vấn cộng đồng hiện nay dường như còn mang tính hình thức, trong khi tham vấn cộng đồng là trách nhiệm cao nhất trước nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ông Tống Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu: Năm 2019, đoàn chúng tôi giám sát triển khai các công trình thủy điện trên địa bàn toàn tỉnh thì thấy hồ sơ rất đầy đủ nhưng thực tế đến hỏi bà con thì bà con không nắm được.

Nhiều công trình quyết định được chủ trương đầu tư rồi nhưng đây giờ đã dừng lại vì chưa có đánh giá hết các tác động, chưa tham vấn đủ các điều kiện bổ sung nên đến lúc thực hiện còn rất mắc và không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Điều 33 dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi rất quan trọng về tham vấn cộng đồng, nhưng ngay khoản 1, tham vấn cộng đồng chỉ là thông tin tham khảo các cơ quan có thẩm quyền. Về đối tượng tham vấn, trách nhiệm tham vấn, nội dung, hình thức tham vấn rất quan trọng nhưng chỉ là thông tin tham khảo.

Tôi đề nghị nếu có thể được, cơ quan soạn thảo cần nêu rõ tham vấn cộng đồng là một căn cứ để bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt kết quả thẩm định. Nếu chỉ tham khảo thì lấy cũng được, không lấy cũng được. Do vậy, tôi nghĩ tham vấn cộng đồng phải là một căn cứ bắt buộc.

Tương tự, tại Điểm g Khoản 3 Điều 33 về trách nhiệm tham vấn đối với các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, tuyến đường qua nhiều địa bàn tỉnh thì chủ dự án phải có trách nhiệm lấy ý kiến của Ủy ban Nhân dân các tỉnh có di sản thiên nhiên. Nhưng ý thứ 2 là tham vấn cộng đồng thông qua hình thức công bố trên cổng thông tin điện tử thì áp dụng cho các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa… thì chịu.

Đại biểu Quốc hội chúng tôi được trang bị iPad mà có khi đi vùng sâu vùng xa còn không kết nối được mạng thì tham vấn như vậy có phải là hình thức không? Đó là chưa nói đến “cái ruột” là nội dung công bố.

Liên quan đến Khoản 5 của Điều 33 của dự thảo Luật về kết quả tham vấn thì phải được thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến của đối tượng tham vấn, bà Xuân đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ. Theo bà, đã quy định thì phải chặt chẽ, phù hợp, tránh hình thức, khi đi vào thực hiện luật phải có tính khả thi.

Khoản 2 Điều 33, Mục a đã quy định đối tượng rất rõ nhưng thực tiễn hiện nay vẫn còn rất hình thức. Mục b, c quy định đối tượng tham vấn là các cơ quan nhà nước liên quan nhưng theo quy định của Chính phủ. Điểm c các tổ chức chính trị liên quan cũng theo quy định của Chính phủ, đặc biệt là Khoản 7 của Điều 33 quy định “Chính phủ quy định chi tiết điều này” thì chúng tôi thấy quy định như thế không ổn. Luật càng minh bạch bao nhiêu thì quá trình thực hiện càng thống nhất.

Những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc từng xảy ra tại khu vực Nhà máy xi măng Sông Lam tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì thế, bà Xuân đề nghị ban soản thảo xem xét, chỉnh sửa lại, tránh trường hợp trong Luật để quá nhiều điều khoản “Chính phủ quy định” bởi đã làm Luật thì càng rõ ràng, thực hiện càng tốt.

Bà Vi Thị Chung, Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên: Theo tôi tham vấn cộng đồng dân cư cần đưa vào Luật là một trong các yếu tố quyết định, không thể để tham khảo. Nếu chỉ để tham khảo thì ngay cán bộ làm cũng đã là hình thức rồi. Giống như chương trình nông thôn mới, ngay như quy hoạch đời sống người dân cũng thế, tất cả đều đưa ra cả tháng. 2-3 tháng quy hoạch ở ngay xã hay một xóm thôi nhưng cuối cùng quy về cũng không có tham vấn, đến cả nghĩa trang cũng không có tham vấn.

Chúng ta thấy người dân, nếu dự án tác động trực tiếp là thu hồi đất thì người dân lo là không có sinh kế, còn vấn đề môi trường gần như người dân không quan tâm được vì không hiểu nhiều. Tôi nghĩ rằng Luật sửa đổi nhiều là vì trong quá trình thực thi không hướng dẫn thực thi. Có quy định rồi nhưng không thực thi được.

Ông Nguyên Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Tôi rất ủng hộ quan điểm tham vấn thực chất. Điểm ba Điều 165 đề cập chỉ tham vấn qua đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc qua Ban công tác Mặt trận cấp xã, hoặc là người do hội nghị cộng đồng dân cư bầu làm đại diện được chính quyền công nhận, tôi cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ, không thực chất.

Ở đây chúng ta phải lấy tham vấn cộng đồng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của số đông. Công tác cán bộ hiện nay lấy trên 50%, tại sao không áp dụng quy định này vào quản lý xã hội? Tôi cho rằng đây là “khe hở” cho các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý liên quan đến môi trường trong thời gian vừa qua. Do vậy, cần phải tính đến quy định về số đông.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tôi thấy tham vấn cộng đồng là vấn đề rất quan trọng của nội dung ĐTM. Đánh giá tác động môi trường trước đây có tham vấn cộng đồng rồi nhưng làm còn hình thức nên không thiết thực. Vì môi trường, không khí, đất đai, nước ô nhiễm thì cuối cùng con người phải chịu. Do đó dùng từ “tham khảo” trong luật là chưa đủ sức nặng.

Theo tôi, phải nêu đây là thông tin quan trọng để hoàn thiện ĐTM và phải có trong báo cáo ĐTM cũng như kèm theo các biên bản tham vấn để hội đồng xem xét và phải làm cụ thể hơn, thực chất hơn, trách nhiệm hơn.

Về nội dung công khai thông tin, chúng tôi vừa tiếp thu vừa giải trình, nên quan điểm xây dựng Luật lần này cũng công khai thông tin, rất rõ và đã thực hiện.

Nguồn: Vietnam+


*Các ý kiến được ghi nhận tại Hội thảo: “Thúc đẩy vai trò tham gia của cộng đồng DTTS & MN trong bảo vệ môi trường – Định hướng và cơ chế, chính sách trong Luật BVMT” do Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức vào tháng 9/2020 tại Hải Phòng.

Cập nhật

Cùng tham gia "Bớt củi - Giữ rừng"
Tham gia