Nghị định “Chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản” đang được Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng. Nhằm đóng góp cho bản dự thảo nghị định này, vừa qua Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng 6 tổ chức bao gồm Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Development Alternatives Incorporated (DAI), Tổ chức Nghiên cứu Lâm Nghiệp Quốc Tế (CIFOR), Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc Tế (ICRAF) & Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao (CEGORN), đã gửi bản tổng hợp các kiến nghị đến cơ quan soạn thảo.
Theo đó, các tổ chức ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới và dự thảo quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh bao quát toàn bộ các hoạt động, các đối tượng được nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư; điều chỉnh một số mức đầu tư/hỗ trợ đầu tư đảm bảo thu nhập cho người tham gia BVPTR; chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết với chủ rừng, chế biến lâm sản, đầu tư trồng rừng; kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng; cơ chế xây dựng, thẩm định, phê duyệt, cấp phát vốn đầu tư/hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách, quy định về đầu tư trong bảo vệ, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản tại Việt Nam, 7 tổ chức đóng góp một số ý kiến nhằm đảm bảo việc xây dựng và thực thi Nghị định được hiệu quả, đảm bảo đủ ngân sách đầu tư cho quản lý, phát triển rừng bền vững đồng thời khuyến khích hợp tác liên doanh, liên kết trong toàn bộ chuỗi giá trị, phát huy tính tự chủ, trách nhiệm của chủ rừng, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, bản góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề: định mức của một số chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; đối tượng cần được hỗ trợ và điều kiện cần đáp ứng để được hỗ trợ trong một số chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; các chính sách cần thiết để khuyến khích và tạo động lực đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; và cấu trúc của Nghị định.
Vui lòng xem toàn văn bản góp ý TẠI ĐÂY.